Tác giả: John Kubasak Chuyển ngữ: Gia Thi, SDB
Nếu chúng ta sống ở Ý vào thế kỷ 19, thánh Gioan Bosco sẽ là một cái tên quen thuộc. Sự phục vụ và đóng góp của ngài đối với Giáo hội và của Tu hội Salêdiêng mà ngài thành lập đã vươn xa khắp Châu Âu.
Thánh Gioan Bosco inh ra tại Tôrinô, Ý vào năm 1815, trong một gia đình nghèo, và mồ côi cha từ lúc hai tuổi. Ngài được thụ phong linh mục năm 1841. Có lẽ bi kịch mất người cha yêu quý đã thúc đẩy Don Bosco đến với sứ mệnh mà ngài được biết đến nhiều nhất: đi đến với những thanh thiếu niên gặp khó khăn. Nguyên nhân gần hơn của việc phục vụ những thanh thiếu niên gặp khó khăn là do tình trạng tồi tàn của các nhà tù, trong đó trẻ em bị giam giữ cùng với người lớn. Một ngôi nhà hội họp, nơi Don Bosco có thể hướng dẫn các cậu bé được thành lập vào cuối những năm 1840 đã phát triển thành Tu hội Salêdiêng được Vatican phê chuẩn vào năm 1874. Đến khi Don Bosco qua đời năm 1888, 250 nhà đã được thành lập trên khắp thế giới. Công cuộc xã hội trong 40 năm cho đến khi Don Bosco về trời, đã sản sinh ra 6.000 linh mục và vô số các linh hồn đã được hoán cải.
Tất cả những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả như hình mẫu của một linh mục, Don Bosco là: ngài có mùi chiên của mình, đi ra vùng ngoại biên, sống một đời sống ân sủng và các bí tích, và nhiệt huyết lo cho các linh hồn. Don Bosco cũng là một nhà thần bí, và phương tiện chính của những trải nghiệm thần bí của ngài là những giấc mơ sống động. Dù chúng ta là những người trẻ hay đã bước tuổi xế chiều, Don Bosco là một người rất thánh thiện mà cuộc đời có thể dạy cho chúng ta một số bài học. Từ những giấc mơ của ngài, tiểu sử của ngài và những cộng đoàn mà Don Bosco đã khởi sự, có 7 bài học chính mà chúng ta có thể học được từ Don Bosco. Với bối cảnh nhiều hỗn loạn trên thế giới và trong Giáo hội Công giáo ngày nay, Don Bosco là người cầu thay và là người thầy vẫn còn phù hợp cho thời đại của chúng ta.
1- TẬN HIẾN VÀ PHÓ THÁC TRỌN VẸN NƠI ĐỨC MARIA
Don Bosco có lòng sùng kính Đức Maria rất mạnh mẽ, và luôn khen ngợi những ai có lòng sùng kinh Đức Maria như thế. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong các giấc mơ của Gioan Bosco là nhìn thấy các cậu bé bị tấn công bởi một con quái vật hoặc loài thú hoang dã – những điều này tượng trưng cho ma quỷ. Chính Đức Mẹ đã xuất hiện trong một số giấc mơ của Don Bosco, trải rộng tấm áo choàng để che chở cho các cậu bé. Ngay khi những cậu bé này bước vào sự bảo vệ và chở che của Mẹ Maria, những con thú dữ không thể làm hại được họ.
Chúng ta có những thói quen xấu, tệ nạn, rắc rối, hoặc ma quỷ không? Hay có một trái tim tan nát và không còn niềm tin và hy vọng vì nhiều vụ bê bối trong Giáo hội ngày nay? Hãy chạy đến với Đức Maria và nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Mẹ là người nữ được báo trước rằng có sự thù hằn của ma quỷ (x. St 3,15); Mẹ sẵn sàng chiến đấu cho linh hồn của chúng ta chỉ cần chúng ta cầu xin lời chuyển cầu của Mẹ. Mẹ coi chúng ta như con cái của Mẹ và muốn cả gia đình của Mẹ được cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô.
2- HỎA NGỤC LÀ CÓ THẬT, VÀ CHÚNG TA KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG ĐỜI SỐNG TINH THẦN
Có một khía cạnh chân thực đối với các giấc mơ của Don Bosco; một số dạy về một các nguyên tắc thẳng thắn và rõ ràng; các giấc mơ khác chỉ đơn giản là khơi lên sự đáng sợ. Giấc mơ đau lòng nhất của Don Bosco là viễn cảnh về con đường dẫn đến địa ngục, và chính địa ngục. Ở đó, Don Bosco nhìn thấy một số cậu bé của mình trên con đường dẫn đến cổng địa ngục: một con đường rộng rãi, đẹp đẽ trải đầy hoa (x. Mt 7,13), và có những cái lưới để giăng bẫy những người đi bộ. Thật là kinh khủng về một ý nghĩ, bản chất sa ngã của chúng ta khiến mỗi người trong chúng ta có thể chọn tội lỗi thay cho Thiên Chúa – và do đó chọn địa ngục thay vì thiên đàng. Nếu tất cả mọi người có thể tự động lên thiên đàng, thì quả thực sẽ chẳng có ích gì để quan tâm đến đời sống tinh thần.
Trong thời đại của chúng ta, việc tin rằng một Thiên Chúa yêu thương sẽ không để cho các thụ tạo của Ngài xuống địa ngục là điều phổ biến và được xã hội chấp nhận hơn nhiều. Nó gợi lên những hình ảnh về sự báo thù và sự chiến đấu, và Thiên Chúa bị biến dạng từ một người Cha nhân từ thành một người giận dữ. Điều này không chỉ trái ngược với lời dạy của Giáo hội mà địa ngục còn là người bạn ‘chí cốt’ cần thiết với ý chí tự do của chúng ta. Ngay cả khi địa ngục hoàn toàn trống rỗng, nó vẫn phải tồn tại. Thật mâu thuẫn về mặt logic khi nghĩ rằng, Thiên Chúa sẽ ban ý chí tự do cho con người trên trái đất, nhưng không ban cho thế giới bên kia; nghĩa là, về cơ bản, Ngài sẽ buộc mọi người lên thiên đàng. Nếu một linh hồn quyết tâm từ chối sự đồng hành của Thiên Chúa trên đất, thì Thiên Chúa ban cho họ quyền đó trong sự phán xét của linh hồn đó. Thiên Chúa tôn trọng ý chí tự do đến nỗi Ngài đã tạo ra một nơi cho những ai từ chối sự hiệp thông vĩnh viễn với Ngài.
3- TRỌNG TÂM LÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ & ĐỨC MARIA
Ngoài giấc mơ về địa ngục, giấc mơ về hai trụ cột là giấc mơ nổi tiếng nhất của Bosco. Ngài đã chứng kiến một trận hải chiến đang diễn ra dữ dội, khi một hạm đội và đặc biệt là tàu đô đốc của nó đang bị tấn công bởi nhiều con tàu nhỏ hơn. Thuyền trưởng của kỳ hạm là Đức Thánh Cha, và giữa trận chiến gay cấn, Đức Thánh Cha đã điều khiển kỳ hạm để neo nó vào hai cây cột to lớn nhô lên từ mặt biển. Cây cột đầu tiên có Đức Mẹ trên đỉnh cột, với dòng chữ “Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu” bên dưới. Cột trụ thứ hai là Thánh Thể có kích thước tương xứng, với dòng chữ “Ơn cứu độ của các tín hữu”. Ngay sau khi chiếc tàu đô đốc vừa nhổ neo, trận đánh đã thắng lợi và các chiến hạm của địch hoặc chạy tán loạn, hoặc bị đánh chìm, hoặc chúng lao vào mạn hạm để tham gia cùng Mẹ Maria.
Việc giải thích giấc mơ cho thấy hai yếu tố cần thiết cho đời sống tinh thần của người Kitô hữu đó là Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Maria. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hiệp với Chúa Giêsu và sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ cứu vớt phần rỗi của chúng ta. Khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ, Ngôi Lời trở nên xác thịt và nhập thể trong chúng ta. Nơi Đức Mẹ, chúng ta có một người mẹ yêu thương, người có sức cầu bầu mạnh mẽ hơn bất cứ người nào khác. Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về những lời hứa của Đức Mẹ đối với những ai lần hạt Mân Côi. Thiên Chúa ban cho những ân sủng to lớn qua lời cầu bầu của Mẹ! Về cuối đời, Don Bosco đã đích thân làm chứng về sự ảnh hưởng của Đức Mẹ trong cuộc đời ngài: “Cha đã trở thành một công cụ trong tay của Đức Maria. Mẹ đã làm tất cả. Nếu cha là một công cụ xứng đáng hơn, cha đã đã hoàn thành nhiều việc hơn nữa.”
“Hãy tin tưởng nơi Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và Đức Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì.”
4- BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ SỐNG THÁNH THIỆN
Một trong những điều dối trá mà ma quỷ cố gắng thuyết phục chúng ta rằng, sự thánh thiện là công việc của các linh mục, tu sĩ, những ông cụ bà lão ngoan đạo, và những người khác nhưng không phải tôi.
Don Bosco đã làm việc với những người bạn linh mục của ngài, các nhà chức trách địa phương, những người trẻ, các cậu bé từ những gia đình nghèo khó, và nhiều loại người khác nhau. Ngài luôn nói với những học sinh của mình: “Nên Thánh thật dễ dàng!”, và nhấn mạnh rằng con đường nên thánh dành cho mỗi người.
Có phải là dễ dàng?
Theo Don Bosco, việc chiến thắng ngay lập tức có thể khó khăn, nhưng các nguyên tắc rất dễ dàng: chu toàn bổn phận ở gia đình, trường học, cơ quan; hãy làm tốt nhất bao nhiêu có thể. Hãy dâng hiến cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa, dù trong lúc thuận tiện hay lúc không thuận tiện, đau khổ hay vui sướng. Và nhìn nhận những đau khổ là những thứ có sức mạnh để biến chúng ta thành những vị thánh. Đừng quên rằng ân sủng sẽ lấp đầy những gì còn thiếu trong chúng ta và cho phép chúng ta làm những điều mà chúng ta không thể làm bằng chính sức riêng của mình.
5- CÁCH ĐỂ TIẾP CẬN NHỮNG TỘI NHÂN
Một trong những công việc tinh thần của lòng thương xót là khuyên nhủ các tội nhân, và được kể như là một trong những việc làm khó hơn. Một mặt, chân lý của đức tin Công giáo – dựa trên Chúa Giêsu chính là chân lý, nên là động lực để chúng ta truyền bá Tin mừng. Mặt khác, thật dễ dàng sa vào tất cả các loại phương pháp tiếp cận không thể thực hiện được trong việc cố gắng sửa chữa và cải tạo tội nhân.
Don Bosco cho chúng ta một số trợ giúp trong vấn đề này. Ngài lưu ý rằng, Thiên Chúa chúng ta đã kiên nhẫn với các tông đồ như thế nào. Và, Chúa Giêsu cũng “đối xử tử tế và cảm thông với tội nhân khiến một số người bị sốc, những người khác bị tai tiếng, và những người khác vẫn hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì vậy, ngài khuyên chúng ta phải nhẹ nhàng với sự khiêm tốn của trái tim”. Điều quan trọng cần quan tâm là cách tiếp cận này là một phương tiện để kết thúc chứ không phải tự nó kết thúc. Lòng tốt và lòng thương xót là điều bắt buộc, nhưng chúng mở ra cánh cửa cho người nghe đến với Tin mừng và tình thương của Chúa Giêsu. Không nên sửa chữa một tội nhân bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp khẳng định tội lỗi của họ.
6- CHINH PHỤC BẰNG SỰ DỊU HIỀN
Don Bosco lần đầu tiên có một giấc mơ tiên tri khi mới 9 tuổi. Nhìn thấy một nhóm trẻ ồn ào mất trật tự, Gioan Bosco đã cố gắng ngăn cản chúng. Sau đó, một người lạ xuất hiện nói với Gioan, “Con sẽ giúp những cậu bé này không phải bằng những cú đấm, nhưng với lòng tốt và sự dịu hiền!”. Tiếp theo, một người phụ nữ xuất hiện; các cậu bé biến thành một bầy thú dữ hung ác. Người phụ nữ đưa tay ra, bầy thú biến thành các chiên con. Điều này khiến Gioan bối rối, và cậu hỏi người phụ nữ rằng: “tất cả điều đó nghĩa là gì?”. Câu trả lời của bà: “Đây là cánh đồng tông đồ của con. Hãy khiêm tốn, kiên định và mạnh mẽ!”.
Chinh phục trong lòng tốt và sự khiêm tốn kết hợp với sức mạnh có vẻ trái ngược nhau ở bề ngoài. Lòng tốt có thể được sử dụng như một vũ khí tinh thần giống như Chúa Giêsu đã làm trong cuộc Khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu đã chiến đấu với tội lỗi và sự chết từ tận cõi lòng ngài: Thánh Tâm của Ngài. Chúa Giêsu đã chịu mọi roi đòn của sự dữ và dìm chúng xuống vực thẳm tình yêu thiêng liêng của Ngài. Phải hết sức kiềm chế để quay sang má bên kia cho người ta đánh – nhưng nếu làm vậy, chúng ta có thể tận dụng được ân sủng của Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Sự khiêm tốn đích thực không phải là không có sức mạnh, nhưng nó đòi hỏi có sức mạnh để vượt qua.
7- TUỔI TRẺ THỰC SỰ CẦN NHỮNG GÌ
Ngay từ đầu trong tiến trình trở thành một vị linh mục của người trẻ, Gioan Bosco đã chọn một số trò ảo thuật từ những người biểu diễn xiếc lưu động, để đưa vào một buổi biểu diễn cho các cậu bé của thị trấn. Buổi biểu diễn chỉ là tiết mục mở đầu. Sau khi vui vẻ, Gioan Bosco lặp lại bài giảng của ngày hôm đó và cầu nguyện với những người hiện diện. Nếu Gioan bắt đầu ngay với bài giảng, liệu nhiều thiếu niên có ở lại lắng nghe không? Tương tự như vậy, một trong những mục tiêu của việc mục vụ của Don Bosco cho người trẻ chỉ đơn giản là dành thời gian cho họ. Ngài đưa chúng đi dã ngoại và chúng được vui vẻ bên nhau. Những chàng trai được gọi là “rắc rối” cần những việc phải làm, những chàng trai khác thích được đi chơi, và một người cố vấn mạnh mẽ để qui tụ chúng lại với nhau. Đối với những cặp mắt bên ngoài, những cậu bé rắc rối này đột nhiên không gặp rắc rối như vậy sau khi sống ở một trong những nguyện xá của Don Bosco.
Bạn có biết những bạn trẻ nào trong cuộc đời cần cách tiếp cận đó không? Bạn có thể mang Chúa Kitô đến với họ như Don Bosco không?
Lạy Thánh Gioan Bosco, cầu nguyện cho chúng con!
|