Khởi đầu với những trình thuật Sáng tạo, Thiên Chúa đã không dựng nên con người với chỉ một giống loài duy nhất nhưng “Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ” (St 1, 27). Chính sự khác biệt giới tính ấy, khiến con người nhận ra ơn gọi “thuộc về nhau”, họ cần có nhau để bổ túc cho nhau, chỉ khi đó con người mới thực sự trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, ơn gọi ngay từ ban đầu dành cho con người đã là sự xuất hành ra khỏi mình để hướng về, để trao hiến cho người khác.
Lịch sử cứu độ được tiếp tục với những lời kêu gọi trở nên rõ ràng hơn qua các tổ phụ và các tiên tri. Nơi Abraham, ta thấy rõ tiếng gọi của một sự từ bỏ để ra đi: “Hãy rời bỏ xứ sở, nhà cha ngươi để đến nơi Ta sẽ chỉ cho” (St 12, 1). Còn nơi các ngôn sứ, ta thấy đều lặp lại lời kêu gọi, ra khỏi sự sợ hãi để đi đến với Dân Ngài và giải thoát chúng khỏi mọi tình trạng nô lệ. Có thể là nô lệ về thể xác như đối với Môsê hoặc nô lệ cho tội lỗi như Giêrêmia, Êlia…; hoặc một dạng nô lệ tinh thần của sự thất vọng như các ngôn sứ thời lưu đày. Ơn gọi của các vị này cũng là một cuộc xuất hành, một cuộc lên đường thực sự.
Bước sang đến thời Tân Ước, ta sẽ thấy tiếng gọi trở nên quyết liệt hơn vì không nằm ở việc đi ra khỏi một nơi chốn nào đó, nhưng là ra khỏi chính con người của mình, những chọn lựa để thưa vâng, sẽ trở nên khó khăn và liều lĩnh hơn.
Đức Maria chính là người được nghe tiếng gọi ấy, Maria được gọi ra khỏi sự sợ hãi, những tính toán kiểu con người để đi vào sự tin tưởng tuyệt đối nơi quyền năng của Thiên Chúa, tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Người. Maria được mời gọi ra khỏi sự an toàn để bước vào kế hoạch “phiêu lưu” với lời hứa của Thiên Chúa, như Đức Phanxicô đã nói. Maria được kêu gọi tiến lên trở thành môn đệ đầu tiên của Đấng Cứu Thế, Maria cũng được kêu gọi để tiến lên đồi Gôngôtha cùng chia sẻ cuộc khổ nạn đau thương với Con mình. Ơn gọi của Mẹ luôn là tiến lên mà chẳng bao giờ có dừng lại hay lùi bước.
Đến với khuôn mặt của các Tông đồ, trong Tin Mừng nhất lãm, lời mời gọi của Đức Giêsu là: “Hãy theo Tôi” (Mc 1, 17). Theo là phải từ bỏ, “các ông bỏ chài lưới” (Mc 1, 18), “các ông bỏ cha là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền” (Mc 1, 20). Trong suốt hành trình rao giảng luôn có những tiếng gọi, có kẻ được gọi từ bỏ gia đình để đến theo Đức Giêsu làm môn đệ. Lắm kẻ được gọi nhưng lại cho về nhà, “Anh hãy về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.’” (Mc 5, 19), tiếng gọi này không phải để theo Ngài trên hành trình lên Giêrusalem, nhưng là đi đến với người khác nói về Chúa, loan báo tình yêu của Ngài cho họ. Cũng có tiếng gọi thật âm thầm, khiến người ta phải từ bỏ mình, bỏ tính ích kỷ để thay đổi bản thân như với Dakêu, bàn tay ông đã buông bỏ để “lên đường” theo Đức Giêsu: “Phân nửa tài sản tôi xin dành cho người nghèo, tôi xin đền gấp bốn những gì đã chiếm đoạt của người khác” (Lc 19, 8). Như thế, tiếng gọi dành cho con người quả thực là một sự xuất hành, không chỉ lên đường về mặt địa lý, nhưng cũng có cuộc lên đường đầy khó khăn từ sâu thẳm tâm hồn.
Cuối cùng mọi ơn gọi chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Thập Giá Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã tự biến mình trở nên “tặng phẩm” dành cho con người, chính là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Vì thế, tôi nghĩ rằng, ơn gọi dành cho con người ở mọi nơi mọi thời, ơn gọi căn cốt nhất đó là “ra khỏi sự chật hẹp của chính mình để biến mình trở thành quà tặng cho tha nhân”.
Ơn gọi của muôn loài muôn vật ngay từ thuở tạo dựng cho đến ngày nay luôn là hướng tha, nghĩa là hướng về người khác, phục vụ tha nhân chứ không phải là qui kỷ, chỉ hướng về mình. Hãy dừng lại để quan sát tạo vật ngay cả những loài vô tri bạn sẽ ngạc nhiên về ơn gọi của chúng. Và bạn sẽ thực sự ngỡ ngàng trước tạo vật có tên là “bố, mẹ”, họ thực sự là những người sống trọn vẹn ơn gọi không thuộc về mình nhưng thuộc về người khác là chính bạn đấy! Làm sao khỏi xúc động trước những con người miệt mài lao động dù lam lũ, cực nhọc, vất vả thậm chí là nguy hiểm vẫn ánh lên nụ cười niềm vui vì có thể nuôi sống gia đình, con cái.