Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng này, Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng nhấn mạnh hai điều quan trọng: nơi Gioan hiện diện, đó là hoang địa, và nội dung sứ điệp của Thánh Gioan, đó là sám hối. Hoang địa và sám hối: Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh nhiều lần những lời này để làm cho chúng ta hiểu rằng những lời này liên quan trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận cả hai.
Hoang địa. Thánh sử Luca giới thiệu nơi này một cách cụ thể. Ngài nói về những hoàn cảnh trang trọng và những nhân vật vĩ đại của thời đó. Ngài đề cập đến năm thứ 15 của hoàng đế Tibêriô, tổng trấn Phongxiô Philatô, vua Hêrôđê và các “nhà lãnh đạo chính trị” khác của thời đó. Sau đó, Thánh Luca nhắc đến những vị lãnh đạo tôn giáo Khanan và Caipha, những người đang phục vụ Đền thờ Giêrusalem (Lc 3,1-2). Đến đây, Thánh Luca tuyên bố: “Lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan trong sa mạc” (Lc 3,2). Nhưng Lời đó đến bằng cách nào? Chúng ta đã mong đợi Lời Chúa sẽ được nói với một trong những nhân vật nổi danh vừa được kể đến. Thay vào đó, một điều trớ trêu tinh tế xuất hiện nơi những dòng Tin Mừng: từ vị trí trên cao của những người quyền bính, lại bất ngờ xuất hiện trong hoang địa một người vô danh, đơn độc. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Đường lối Người làm chúng ta ngạc nhiên vì nó khác với sự mong đợi của con người chúng ta; chúng không phản ánh sức mạnh và sự vĩ đại mà chúng ta dựa vào. Thiên Chúa ưa thích sự nhỏ bé và khiêm nhường. Ơn cứu độ không bắt đầu từ Giêrusalem, Athens hay Roma, nhưng trong hoang địa. Cách tiếp cận nghịch lý này mang đến cho chúng ta một thông điệp rất đẹp: quyền bính, học thức và nổi tiếng không có gì bảo đảm làm đẹp lòng Chúa, vì những điều này có thể dẫn đến kiêu ngạo và từ chối Người. Thay vào đó, cần phải có cái nghèo nội tâm, nghèo như hoang địa.
Chúng ta hãy suy nghĩ thêm về nghịch lý của hoang địa. Gioan Tẩy Giả - Vị Tiền hô - chuẩn bị sự xuất hiện của Đấng Kitô tại một nơi khó tiếp cận và đầy nguy hiểm. Ngày nay, nếu ai đó muốn đưa ra một loan báo quan trọng, người này thường đến những địa điểm ấn tượng, nơi có nhiều người, nơi có thể được nhìn thấy rõ. Trái lại, Gioan rao giảng trong hoang địa. Chính ở nơi đó, nơi khô cằn, trong không gian trống vắng và nơi hầu như không có sự sống, ở đó vinh quang của Chúa được tỏ bày, như lời Kinh Thánh đã tiên báo (Is 40, 3-4), Thiên Chúa biến hoang địa thành hồ ao, đất khô cằn thành mạch nước dồi dào (Is 41,18). Và một thông điệp đáng khích lệ khác: Thiên Chúa, nay cũng như xưa, hướng mắt nhìn đến bất cứ nơi nào có nhiều nỗi buồn và cô đơn. Chúng ta có thể trải nghiệm điều đó trong cuộc sống. Chúa thường không đến được với chúng ta khi chúng ta đang ở giữa những tiếng vỗ tay và chỉ nghĩ đến mình, nhưng Chúa đến với chúng ta trong những lúc thử thách. Người đến thăm chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, lấp đầy khoảng trống nội tâm của chúng ta khi chúng ta để chỗ cho Người, trong những sa mạc hiện sinh của chúng ta.
Anh chị em thân mến, trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là cá nhân hay quốc gia, không thiếu những giây phút chúng ta có cảm tưởng như đang ở trong sa mạc. Và đây chính là nơi Thiên Chúa tỏ hiện. Chúa thường không đến với những ai cảm thấy mình thành công, nhưng đến với những người cảm thấy mình không thể làm gì được. Và Người đến với những lời gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta"(Is 41, 10). Bằng cách rao giảng trong sa mạc, Thánh Gioan đảm bảo với chúng ta rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta và ban lại sự sống cho chúng ta trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể cứu vãn, không có lối thoát. Do đó, không có nơi nào mà Chúa không muốn đến viếng thăm. Và hôm nay chúng ta không thể không cảm nhận niềm vui khi thấy Người chọn sa mạc, để đến với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta để yêu thương, và trong sự khô cằn của chúng ta để làm dịu cơn khát! Anh chị em thân mến, đừng sợ sự nhỏ bé, vì nhỏ bé không phải là vấn đề, miễn là chúng ta mở lòng với Chúa và với tha nhân. Và đừng sợ sự khô khan, bởi vì Thiên Chúa không sợ điều này, ở đó, trong sự khô khan Chúa đến thăm chúng ta!
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang điều thứ hai, sám hối. Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng điều đó không ngừng và với cung giọng mạnh mẽ (Lc 3, 7). Đây cũng là một chủ đề “khó chịu”. Cũng như sa mạc không phải là nơi đầu tiên chúng ta muốn đến, thì lời mời sám hối chắc chắn không phải là lời đề nghị đầu tiên mà chúng ta muốn nghe. Nói về sám hối có thể khơi dậy nỗi buồn; nó dường như khó hòa hợp với Tin Mừng của niềm vui. Nhưng điều này xảy ra khi chúng ta cho rằng sám hối đơn giản chỉ sự phấn đấu của chúng ta để nên hoàn thiện về mặt đạo đức, như thể đó là điều chúng ta có thể đạt được nhờ nỗ lực của chính chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta nghĩ mọi thứ tuỳ thuộc vào chúng ta. Và điều này dẫn đến nỗi buồn và thất vọng tinh thần. Vì chúng ta muốn sám hối, trở nên tốt hơn, vượt qua những lỗi lầm và thay đổi, nhưng chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng và mặc dù có thiện chí, chúng ta lại luôn vấp ngã. Chúng ta có kinh nghiệm giống Thánh Phaolô, chính từ vùng đất này, ngài đã viết: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7, 18-19). Như thế, tự mình, chúng ta không có khả năng làm điều tốt chúng ta muốn, vậy có nghĩa gì khi chúng ta phải sám hối?
Ở đây ngôn ngữ đẹp của anh chị em, ngôn ngữ Hy Lạp có thể giúp chúng ta hiểu động từ “sám hối”, metanoéin. Động từ này bao gồm metá, có nghĩa là vượt lên trên, và noéin có nghĩa là suy nghĩ. Như vậy, sám hối có nghĩa là suy nghĩ vượt lên trên, nghĩa là vượt lên trên những suy nghĩ thông thường của chúng ta, vượt ra ngoài thế giới quan thông thường của chúng ta. Tất cả những lối suy nghĩ đó làm giảm đi mọi thứ cho chính chúng ta, cho niềm tin của việc thấy mình tự đủ của chúng ta. Hoặc những lối suy nghĩ tự cho mình là trung tâm được đánh dấu bằng sự cứng nhắc và sợ hãi làm tê liệt, bởi sự cám dỗ nói “chúng tôi luôn làm theo cách này”, bởi ý tưởng rằng sa mạc của cuộc sống là nơi chết chóc, và không có sự hiện diện của Chúa.
Khi khuyến khích chúng ta sám hối, Thánh Gioan mời gọi chúng ta vượt ra ngoài nơi chúng ta hiện diện; vượt xa những gì bản năng nói với chúng ta và tư tưởng ảnh hướng đến chúng ta, bởi vì thực tế còn vĩ đại hơn. Thực tế là Chúa vĩ đại hơn. Vì vậy, sám hối có nghĩa là không nghe những gì làm mất niềm hy vọng, không nghe những người luôn nói rằng sẽ không có gì thay đổi trong cuộc sống. Sám hối có nghĩa là từ chối tin rằng chúng ta đã bị định sẵn để chìm vào vũng lầy của sự tầm thường. Nó có nghĩa là không quy phục trước những sợ hãi bên trong, xuất hiện đặc biệt trong những lúc thử thách để làm chúng ta nản lòng và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không vượt qua được, rằng mọi thứ đã sai và việc nên thánh không dành cho chúng ta. Không phải như vậy, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện. Cần phải tin cậy nơi Chúa, bởi vì Người là điều vượt trên của chúng ta, là sức mạnh của chúng ta. Mọi thứ thay đổi nếu chúng ta dành cho Người vị trí đầu tiên. Chúng ta chỉ cần mở cửa để Chúa bước vào và làm những điều kỳ diệu. Chỉ như sa mạc và lời của Gioan là đủ để Chúa đến thế gian.
Chúng ta hãy cầu xin ân sủng để tin rằng với Chúa, mọi thứ sẽ thay đổi, rằng Người chữa lành nỗi sợ hãi của chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta, biến những nơi khô cằn thành suối nước. Chúng ta cầu xin ân sủng của hy vọng. Vì hy vọng làm sống lại đức tin và khơi lại lòng bác ái. Bởi vì đó là hy vọng mà các sa mạc của thế giới ngày nay đang khát.
Và trong lúc cuộc gặp gỡ này đổi mới chúng ta trong niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu, và tôi vui mừng khi được ở giữa anh chị em, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở nên những người gieo rắc hy vọng, những người gieo niềm vui xung quanh chúng ta, không chỉ vào lúc này, khi chúng ta hạnh phúc và ở cùng nhau, nhưng hàng ngày, trong những sa mạc nơi chúng ta hiện diện. Vì chính nơi đó, với ơn Chúa, cuộc đời chúng ta được mời gọi sám hối. Ở đó, trong sa mạc nội tâm hoặc sa mạc bên ngoài, sự sống được mời gọi nở hoa. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và can đảm để đón nhận sự thật này.