“Cà phê đắng!” câu nói phát ra từ miệng của một người bạn thân trong một quán nước. Tay bạn vẫn khuấy ly cà phê vừa được thêm vào chút đường, thi thoảng đưa muỗng lên nhấm nháp, rồi nói: “Cà phê đắng!” dù đã cho đường đến mấy lần. Ngồi đối diện, tôi nhìn bạn, miệng cũng thốt lên đồng tình: “Ừ! Đắng!”
Tôi biết vị đắng mà bạn cảm giác được đâu chỉ là của cà phê mang lại, nhưng… vì vợ của bạn ra đi trong đợt Covid bùng lên lần thứ hai. Tan ca chiều bạn chỉ kịp nghe điện thoại của vợ: “Anh! Về trông con giúp em! Em vô khu cách ly rồi!”. Bàng hoàng. Thảng thốt. Nín lặng. Cố bình tĩnh dặn dò vợ giữ sức khỏe, rồi dặn đừng lo lắng nhiều việc ở nhà vì đã có bạn lo. Nhìn đứa con mới hơn năm tuổi còn thơ ngây, chưa hiểu chuyện gì, bạn lại rơi nước mắt. Tin tức dịch bệnh càng lúc càng căng thẳng, báo đài thông tin liên tục, các trang báo cập nhật liên tục, bạn nhớ tới người mình yêu thương đang một mình đối đầu với cơn bệnh bất chợt, lại rơi nước mắt. Nửa đêm, con vừa chợp mắt, điện thoại reo, đứa bé giật mình cựa quậy, bạn vuốt nhè nhẹ ngực đứa bé để con ngủ tiếp, lén ra ngoài nghe điện thoại. Đầu máy bên kia tiếng thở dồn, lúc mạnh lúc nhẹ. “Anh! … Em mệt quá!…Anh!” Bạn cố giữ bình tĩnh không để cảm xúc chen lấn suy nghĩ lúc này. “Em! Ráng khỏe về với anh và con.” Bên kia chỉ nói đúng vài tiếng hổn hển: “Dạ! Em ráng!” rồi cúp máy. Sáng hôm sau nhận tin buồn vợ ra đi vĩnh viễn. Bạn ôm con khóc. Đến ngày hẹn, đến nhận di vật của vợ để lại là chiếc điện thoại, chiếc nhẫn cưới và giấy tờ tùy thân.
Có lẽ vị đắng mà bạn đang cảm nhận là nỗi nghẹn uất khó tả. Làm sao tả nỗi trước những bất ngờ. Trước cảnh tượng ấy tôi không dám nói gì ngoài thừa nhận cùng bạn: “Ừ! Đắng!”. Thông thường, trước những biến cố đầy cảm xúc ấy, tôi vẫn khuyên người khác chấp nhận thực tại: “Thôi thì kiếp người sinh-lão-bệnh-tử. Trước sau gì cũng đến lúc ra đi!”, hay “Thôi để họ đi cho thanh thản đi!”. Nhưng cớ sao trước cảm xúc đong đầy của người bạn thân, tôi cũng nghẹn vì đắng. Nỗi bế tắc là điều then chốt trong cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Bởi lẽ, có khuyên gì thì cũng vô ích trước những thực tại khó chấp nhận này. Đúng rồi! Con người chứ không phải con rối vô tri vô giác, để trước mất mác lớn lao thử hỏi ai không đau nhói.
Hớp ngụm cà phê, bạn lấy bàn tay quẹt nước mắt. Bầu không khí thinh lặng bao trùm cả tâm trạng bạn và tôi, dù rằng quán nước ồn ào bởi tiếng bao nhiêu người và tiếng nhạc. Nỗi đồng cảm kéo tôi vào miền thinh lặng và đau xót của bạn. Đúng là khi cảm được phần nào của nỗi đau ấy, tôi hiểu rằng ly cà phê có bỏ bao nhiêu muỗng đường vẫn đắng, hớp bao nhiêu hớp vẫn không hết ly cà phê chút xíu.
“Tính sao ông?” Tôi hỏi bạn sau gần một giờ thinh lặng. Mắt vẫn đỏ vì cơn xúc động trực trào mà bạn đã cố nén lại. “Ừ! Thì còn con nhỏ mà ông! Niềm an ủi của tui đó!” Tôi mừng quá vì một suy nghĩ tích cực lóe lên trong đầu bạn tôi. Bạn nói tiếp: “Vừa làm cha vừa làm mẹ khó lắm! Nhưng mỗi lần nhìn con tui nhớ vợ vì đó là kết quả tình yêu của vợ chồng tui.” Tôi nhận ra mình cần cảm thông và nâng đỡ bạn nhiều hơn trong chính lúc này chứ không phải buông mình theo thứ cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong cả hai chúng tôi suốt gần giờ qua. “Tiếp tục công việc, lo cho con thành người. Vợ tui chắc cũng vui lắm khi thấy đứa nhỏ thành người.” Những suy nghĩ của bạn lúc này lại nâng đỡ cảm xúc quỵ lụy của tôi, đang kéo tôi ra khỏi miền đồng cảm mà tiến tới cảm thức đồng hành trong hành trình mới.
Buổi cà phê vỏn vẹn chỉ vậy. Buổi nước hôm ấy tôi trả tiền. Ra bãi lấy xe, bạn không quên cám ơn tôi và không quên bình luận: “Cà phê ở đây ngon lắm! Cám ơn ông nghen!” Bon bon lái xe về, tôi chợt nghĩ cà phê đắng cũng có cái hay của nó. Nó giúp người ta tỉnh ngộ giữa cuộc đời nhiều khó khăn này để chấp nhận thực tại. Nó giúp người ta nhận ra rằng dù đắng, nhưng chỉ cần chút kết hợp nào đó thì ly cà phê sẽ dần khác… khác lắm!
Tiểu Tuyền |