Lời Chúa: Lc 19, 45-48
Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Ðã có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Hằng ngày, Người giảng dạy trong Ðền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
Suy niệm:
“Đức Giêsu vào Đền thờ” (c. 45),
ngay sau khi Ngài vẻ vang tiến vào thành phố Giêrusalem.
Ngài vào Nhà của Cha Ngài, nơi Ngài đã được tiến dâng (Lc 2, 22),
nơi Ngài đã muốn ở lại năm mười hai tuổi (Lc 2, 49).
Ngài đã lên Đền thờ nhiều lần trong đời, nhưng đây là lần cuối.
Lên Đền thờ lần cuối là một quyết định sinh tử (Lc 9, 51),
vì Ngài biết những gì đang chờ đợi mình ở đây (Lc 13, 33).
“Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán ở đó.”
Người ta bán những con vật, để người mua dâng cúng cho Đền thờ.
Nơi buôn bán này ở chung quanh Đền thờ,
tuy vẫn nằm trong khu vực Đền thờ, nơi Dân Ngoại được phép lui tới.
Dĩ nhiên việc buôn bán ở đây là có phép của ban an ninh Đền thờ,
nên chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại muốn đuổi họ.
Hiếm khi chúng ta thấy Đức Giêsu nổi giận hay dùng sức mạnh.
Còn ở đây Ngài mạnh mẽ cả trong hành động lẫn lời nói.
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện,
thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp” (c. 46).
Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem như một vị vua khiêm hạ.
Còn bây giờ Ngài đuổi những người buôn bán như một ngôn sứ.
Vị ngôn sứ giận dữ vì thấy nhà cầu nguyện trở thành nơi kinh doanh.
Đức Giêsu đã muốn làm cho Đền thờ được sạch khỏi chuyện bán buôn,
dù chuyện này cũng nhắm phục vụ cho việc tế tự.
Sau khi thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã chọn nơi thánh này
làm nơi Ngài tập trung dạy dỗ từng ngày cho đến lễ Vượt Qua (c. 47).
Ngài đã sống những ngày cuối đời như một vị Thầy dạy.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra những phản ứng ngược nhau.
Dân chúng thì say sưa với những lời Ngài dạy (c. 48),
còn giới lãnh đạo tôn giáo ở Đền thờ lại tìm cách giết Ngài (c. 47).
Phải chăng họ khó chịu với việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô,
hay bực bội về việc Ngài như có quyền đuổi những người buôn bán,
hay ghen tương với việc dân chúng mê mải nghe Ngài?
Đời người Kitô hữu gắn liền với nhiều đền thờ.
Có những đền thờ, nhà thờ bằng gỗ đá, được cung hiến.
Có những đền thờ thiêng liêng như Hội Thánh, như các tín hữu.
Chính bản thân tôi, thân xác tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ.
Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi ấy là đền thờ.
Cần bỏ dép ở ngoài trước khi bước vào ngôi đền thờ là trái tim tha nhân.
Cần năng thanh tẩy lại đền thờ tâm hồn mình bằng bí tích Hòa Giải.
Chúng ta thường thiếu sự giận dữ của Đức Giêsu
khi đứng trước những đền thờ là tâm hồn của những người trẻ bị ô uế.
Chúng ta dửng dưng khi Chúa bị trục xuất ra khỏi đền thờ lòng mình,
để thay vào đó là những thần tượng vô hồn, rẻ tiền và câm lặng.
Xin Giêsu giúp ta quét dọn các rác rưởi nơi đền thờ của trí tuệ,
để lời Chúa làm chúng ta say mê lắng nghe và thực hành.
Cầu nguyện:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. |