Ngọc Yến - Vatican News
Theo Toà Thánh, các cam kết đầy tham vọng của các quốc gia trong việc hạn chế gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5°C và cung cấp các nguồn tài chính cần thiết để thực hiện điều này là đầy hứa hẹn và thực sự cần thiết cho sự tồn tại của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Phái đoàn Tòa Thánh đánh giá cao các cam kết mà các quốc gia đã thực hiện trong bản cam kết. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng điều quan trọng là phải chủ động tìm ra những cách thức hiệu quả để thực hiện những cam kết đã đưa ra.
Toà Thánh nhận xét, trong hai tuần hội nghị, mọi người đã thấy nhiều “lỗ hổng” xuất hiện trong các lĩnh vực giảm thiểu, thích ứng và tài chính. Các nguồn lực sẵn có cho ba khía cạnh này, vốn là nền tảng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, sẽ cần được tăng cường và đổi mới để đạt được các mục tiêu này. Tòa Thánh hy vọng COP26 có thể sớm đạt được thỏa thuận về một lộ trình rõ ràng nhằm thu hẹp những khoảng cách này, trong đó các nước phát triển phải đi đầu.
Một điểm quan trọng khác được phái đoàn nhất mạnh đó là sự mất mát và thiệt hại đặc biệt quan trọng đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, điều đã được ghi nhận trong lời kêu gọi chung của các nhà lãnh đạo đức tin và các nhà khoa học vào ngày 4/10 tại Vatican. Trong dịp đó, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về món nợ sinh thái và tình liên đới mà các nước công nghiệp phát triển phải trả cho người nghèo.
Phái đoàn Tòa Thánh hy vọng các quyết định cuối cùng của Hội nghị này có thể được khơi nguồn từ tinh thần trách nhiệm thực sự đối với các thế hệ hiện tại và tương lai, cũng như việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và những quyết định này có thể thực sự đáp lại tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. (CSR_7385_2021)