Những ngày của tháng mười một, có một nơi mà những người công giáo hay lui tới đó là vườn thánh của mỗi giáo xứ. Ngay từ ngày lễ các thánh, nhiều người đã ra mộ để cắm hoa và thắp hương cho các phần mộ của tổ tiên. Những ngày trước đó, họ cũng đã sửa sang, dọn dẹp sạch sẽ các phần mộ. Trong chính ngày lễ các linh hồn, tất cả mọi thành phần trong giáo xứ đều tề tựu tại vườn thánh để cùng với cha xứ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn ông bà tổ tiên. Hầu hết các gia đình đều xin lễ cầu cho tổ tiên trong dịp này. Đó là một hình ảnh thật đẹp để diễn tả lòng hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên. Cá nhân tôi, mỗi khi ra vườn thánh, tôi đều cảm thấy thật bình yên. Tôi học được nhiều bài học khi đứng ngắm nhìn các ngôi mộ.
Bài học đầu tiên đó là sự buông bỏ. Cuộc sống xô bồ khiến tôi dễ dính bén với những sự thế gian. Khi ngắm nhìn các ngôi mộ, tôi thấy mình như được trút bỏ tất cả. Bên trong những ngôi mộ là những con người đã từng một thời sống như tôi bây giờ. Họ cũng đã từng tham lam nhiều thứ. Nhưng cuối cùng, họ cũng phải bỏ lại tất cả. Họ như đang nói với tôi, hãy buông bỏ để tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thoát. Tiếng nói của họ làm tôi nhớ đến những lời trăn trối của một trong những vị vua vĩ đại nhất mọi thời đại, đó là Alexandre đại đế. Ông sống vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Vương quốc của ông trải dài từ Hy lạp tới giáp ranh Ấn Độ. Ông là hoàng đế bách chiến bách thắng. Thế nhưng ở tuổi 33, ông cũng không thể chống lại thần chết. Trước khi qua đời, ông có ba lời dặn dò các vị quan cận thần. Thứ nhất ông yêu cầu các quan ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ông. Ông muốn nhắn gửi nhân loại sứ điệp rằng dù cho nền y học có giỏi cỡ nào thì cũng không thể thắng được thần chết. Thứ hai, ông yêu cầu rải vàng bạc châu báu trên đường đưa quan tài ra nghĩa địa. Ông muốn nói với chúng ta rằng tiền bạc mà bao người mơ ước thì với người chết cũng chỉ là vật lót đường mà thôi. Thứ ba, ông yêu cầu đục hai lỗ của quan tài và để hai bàn tay của ông thò ra bên ngoài. Ông muốn nói với mọi người rằng chúng ta đến trong cuộc đời này với hai bàn tay trắng và rồi ra đi cũng với hai bàn tay như vậy. Những lời cuối cùng của ông vọng lại lời của ông Gióp trong Cựu Ước: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đất cũng trần truồng” (G 1,21). Ba điều trăn trối của Alexandre đại đế quả là những lời tuyệt vời để dạy cho tôi và bạn bài học về sự buông bỏ. Dù quyền lực và giàu sang cỡ nào thì rồi chúng ta cũng phải bỏ lại tất cả. Cái chết đến, chúng ta không mang theo được cái gì.
Bài học thứ hai mà tôi cảm nghiệm khi ngắm nhìn các ngôi mộ đó là sự thinh lặng. Người chết không thể nói năng gì. Họ được chôn cất rất gần nhau. Chỉ có ba tấc đất thôi. Nhưng họ không cãi cọ tranh giành gì cả. Họ hoàn toàn chìm trong thinh lặng. Sự thinh lặng đó là điều vô cùng tuyệt vời. Họ dạy tôi cũng hãy chìm vào trong thinh lặng ngay khi còn sống. Không cần phải chết đi mới có thể đi vào trong thinh lặng. Tôi có thể thinh lặng ngay ở đây và bây giờ. Cuộc sống ồn ào luôn khiến tôi mệt mỏi. Chỉ khi đi vào trong thinh lặng, tôi mới thấy bình an. Sự thinh lặng kết nối tôi với những người đã khuất ở một bình diện sâu lắng nhất. Tất cả những ngôn từ khái niệm bỗng trở nên nhạt nhoà để nhường chỗ cho thinh lặng. Tôi được sống những khoảnh khắc là mình nhất.
Bài học cuối cùng mà tôi cảm nghiệm khi ngắm nhìn các ngôi mộ, đó là lời nhắc nhở một ngày kia tôi cũng sẽ phải nằm vào trong đó. Người ta nói nay người mai ta. Lần lượt kẻ trước người sau, ai rồi cũng sẽ phải được đưa ra chốn này. Khi một tờ lịch trên tường được bóc xuống, thì ngày tôi và bạn rời khỏi thế giới này trở nên gần hơn. Nếu một ngày nào đó, tôi cũng được đưa tới đây, thì hôm nay tôi phải sống thật tốt. Vũ Thượng, tác giả cuốn sách “Ủ một miền thơm” nhắc nhở độc giả: “Ở trong đời đến lúc có phúc thì gặp được hai người thầy sâu sắc. Người thứ nhất tên là Đớn Đau, người thứ nhì tên là Thức Tỉnh. Thầy sẽ chỉ cho mình mỗi ngày đi ba bước chân. Bước thứ nhất là chọn đường mới, không tham. Bước thứ nhì là sửa mình, sống nhẹ. Bước thứ ba là giữ điều đó, không để mất. Đi được ba bước ấy mỗi ngày, sẽ gặp niềm vui. Giúp người bớt khổ đau, mình thanh thản. Và như thế, cuộc đời luôn chỉ có một ngày, là ngày hôm nay. Bởi hôm qua đã xa, mà ngày mai chưa tới”.
Tôi mời bạn hãy dừng chân bên vườn thánh trong những ngày này để học lấy những bài học cần thiết cho cuộc sống. Chúng ta nhìn vào nầm mồ không phải để bi quan yếm thế, nhưng là để sống tích cực hơn. Chúng ta trân trọng những phút giây mà Chúa ban cho trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta sẽ làm cho những phút giây hiện tại đong đầy tình yêu. Như thế là chúng ta chuẩn bị thật tốt cho cuộc ra đi của chính bản thân mình. Kinh bởi lời dạy chúng ta: “bao nhiêu kẻ còn sống, hãy mở con mắt linh hồn ra mà xem. Hãy thương xót cứu các linh hồn và lo cứu chính linh hồn mình như vậy”. Amen.
Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa |