Ngọc Yến - Vatican News
Tuyên bố của các Giám mục châu Âu có tựa đề "Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự phục hồi của nó" đề xuất một số hoạt động tốt đã được các Giáo hội châu Âu thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng đại dịch, và một số khuyến nghị đối với các thể chế của châu Âu nhằm "tăng cường cuộc chiến chống đói nghèo ở châu Âu".
Theo Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu, mặc dù cuộc khủng hoảng Covid-19 không tạo ra một sự bùng nổ đói nghèo, nhưng các Giám mục quan sát thấy sự gia tăng các hoàn cảnh mong manh ảnh hưởng đến cuộc sống của các cá nhân, gia đình và cộng đồng trên khắp Liên minh châu Âu.
Uỷ ban nhắc lại: “Như đã được trình bày trong Chương trình hành động vì các quyền xã hội của trụ cột châu Âu, cuộc chiến chống nghèo đói là một trong những ưu tiên xã hội chính của châu Âu. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để đo lường và chống lại các hình thức nghèo đói mới và thúc đẩy các biện pháp sáng tạo đối với các nguyên nhân cơ cấu của nghèo đói”.
Các Giám mục lưu ý rằng người nghèo không chỉ được hiểu là người thụ hưởng các chính sách xã hội nhưng còn được coi là "nhân vật chính" của sự phục hồi kinh tế ở châu Âu thời kỳ hậu Covid-19. Đức cha Hérouard giải thích: "Mọi suy tư và hành động về cuộc chiến chống đói nghèo đều phải nhằm mục đích giảm tình trạng bị gạt ra ngoài lề của nhiều người và thúc đẩy sự hòa nhập toàn diện hơn, được hiểu là sự tham gia về kinh tế, xã hội và chính trị".
Ủy ban các vấn đề xã hội của Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu đưa ra một số khuyến nghị như: gia tăng hỗ trợ vật chất và lương thực trong khuôn khổ tài trợ của châu Âu; đo lường tốt hơn tình trạng nghèo đói sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; tạo điều kiện tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng; ngăn ngừa tốt hơn tình trạng mắc nợ quá nhiều; thúc đẩy công việc tử tế, chất lượng giáo dục và tình liên đới.