Nếu như sự thiện hoạt động trong tâm hồn ta, thì cũng thế, cái ác hoạt động không hề thua kém. Việc chống lại các cơn cám dỗ, hoặc chống lại những điều xấu xa, ngay cả bằng cách cầu nguyện lâu dài, sẽ chẳng có ích lợi gì, nếu trong tâm hồn ta không có Chúa hiện diện. Thực sự, qua sự trải nghiệm của bản thân, hoặc qua lời dạy của các bậc thầy, bạn đều nhận thấy rõ: các cơn cám dỗ xảy đến bắt đầu từ trong suy nghĩ. Chúng bắt đầu từ những hình ảnh, mà thoạt tiên không có chi là xấu, không có gì là ác ý, hoặc đó là kết quả của những thứ tự phát một cách tự nhiên và không hoàn toàn là tốt. Chúng cũng có thể là sự tái xuất hiện từ những kỷ niệm, trải nghiệm trong quá khứ đang in sâu trong ký ức. Tất cả những điều ấy có thể tạo nên một sức mạnh đặc biệt và cụ thể, và có thể tạo thành xung lực, bạo lực trong hành vi, đặc biệt khi xảy đến các hoàn cảnh mà chúng ta cảm thấy bất lợi, mệt mỏi về thể chất cũng như tinh thần, hoặc khi ta thất bại, nản lòng, hoặc buồn chán khi phải đợi chờ…
Từ chỗ nhận biết những tư tưởng chán nản đang gặp phải, chúng ta cần chú ý không để chỗ cho những hoàn cảnh bên ngoài có thể khơi dậy tinh thần chán nản ấy, và thậm chí chúng ta phải đối diện với một cuộc chiến trong nội tâm. Và để chiến đấu trong cuộc chiến này, đôi khi những tác động thể lý cũng rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta đều thấy rằng, những tư tưởng suy nghĩ xấu bị dừng lại ngay lập tức, nếu chúng ta chỉ bị một cái kim nhỏ châm vào da mà thôi. Khi chỉ bị đau một tý như thế, ngay lập tức ta cũng không còn chỗ để mà suy nghĩ những thứ tiêu cực.
Và nếu những suy nghĩ tiêu cực bị khơi dậy từ ký ức một cách ồ ạt và rối loạn, chúng cần được tôi luyện bằng cách tìm gặp các bậc thầy về đời sống nội tâm. Đó là các cha giải tội tốt, đó là các cha linh hướng tốt. Để các ngài có thể giúp ta chân thành, khiêm tốn, tỉnh táo, cầu nguyện. Các vị ấy là những bậc lão luyện, sẽ có thể chỉ dẫn ta cách để chiến thắng.
Thế nhưng, cũng cần biết rằng, sự giúp đỡ hiệu quả nhất, thường đến từ việc có một cuộc sống cân bằng, quân bình, tránh những gì là thái quá hoặc bất cập. Tránh làm quá, ngay cả điều ấy xuất phát từ lòng quảng đại, ví dụ như việc bạn quá quan tâm làm việc từ thiện bác ái xã hội, đến nỗi không dành đủ thời gian cho bản thân, đến nỗi thiếu giờ cầu nguyện… Khi làm như thế, thực tế, ban đầu bạn sẽ cảm thấy rất vui với nhiều an ủi, nhưng rồi bạn sẽ bị choáng ngợp, bị mệt mỏi, và sẽ dễ trở thành con mồi cho các cơn cám dỗ. Để rồi, sau đó, có thể bạn sẽ bị ngã, bị rơi vào cơn cám dỗ, ngay chỗ mà bạn cứ nghĩ là mình tốt và vững vàng.
Do đó, với sự khiêm tốn, tùy mức độ của bạn, bạn hãy sẵn sàng bao nhiêu có thể trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa. Và nếu bị rơi vào hoàn cảnh mà mình không thể làm gì, hoặc không biết phải làm gì, bạn hãy nhờ đến những con người khôn ngoan, những người thiêng liêng, những vị lão luyện trong việc thiêng liêng, để đồng hành và giúp đỡ bạn trên hành trình bạn đang đi.
…
Tuy nhiên, để minh họa rõ hơn những gì và cách thức nào, mà cái ác tấn công tâm hồn bạn, tôi sẽ nhắc lại vắn tắt lời dạy của các giáo phụ và của các bậc chân tu trong Hội Thánh. Để chỉ ra nguồn gốc, từ đó làm rối loạn tâm hồn, và lôi kéo linh hồn đến chỗ sa ngã. Các vị ấy kể ra tám lực tác động lên con người. Mà nếu con người không được hướng dẫn, tám lực ấy sẽ mang lại nhiều tác hại.
Trước hết là 3 mãnh lực mạnh nhất và khó kỷ luật nhất, là: tham ăn, háo sắc dục, ham muốn chiếm hữu. Thực ra, những lực này là cần thiết để phục vụ cuộc sống. Vì nếu không thích ăn, thì chúng ta không thể được nuôi dưỡng tốt. Ăn uống là vô cùng cần thiết cho bản thân chúng ta. Tính dục là phần quan trọng của con người và đời sống, để chúng ta tạo mối tương quan, và rồi trong số nhiều mối tương quan thân thiết ấy, ta có thể tìm thấy người vợ người chồng để gắn bó cả cuộc đời. Về sự chiếm hữu cũng thế, nó thúc đẩy chúng ta làm ăn, lo cho cuộc sống có được phương tiện cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thế nhưng, nếu ba lực thúc đẩy này, mạnh đến nỗi áp đặt chúng ta, áp đặt ý muốn của chúng ta, thì khi đó, tự do của chúng ta sẽ bị nguy hiểm. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cẩn thận bảo vệ quyền tự do này. Một thứ tự do không chỉ là tự nhiên của con người, mà còn là thứ tự do của con cái Thiên Chúa. Đó là sự tự do của chiến thắng tội lỗi và cái chết. Đó là thứ tự do mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta bằng tình yêu tự hiến qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.
Vì thế, nhờ vào kinh nghiệm, ta nhận thấy điều cần làm, là giữ được khoảng cách thích hợp, để không bị rơi vào chỗ quyến luyến và dính bén: bị lụy vào những điều ấy. Và không để mình bị quá lệ thuộc vào các giác quan.
Bây giờ chúng ta đến với các gốc rễ khác của cái ác. Đó là các bản năng của tâm trí: đố kỵ, giận dữ, lười biếng. Những điều này có liên kết mật thiết với nhau.
Sự đố kỵ ghen ghét có thể bùng lên bất cứ lúc nào, khi ta thấy người khác có những điều đáng mơ ước mà ta không thể có được, hoặc khi người ấy có thứ tình cảm mà thứ tình cảm ấy không thuộc về ta. Sự thiếu vắng, thiếu thốn, chưa có ấy, sẽ tự động được cái đố kỵ của ta làm thành một sự nhầm lẫn tai hại: ta gán mác cho điều ấy là sự bất công, là vết thương. Và khi ấy, trong ta nảy sinh đủ loại lý do để tìm cách thỏa mãn dục vọng. Sức mạnh này được gọi tên là sự tức giận, và nó lớn đến độ có thể khiến cho một người vượt qua mọi ranh giới và trở ngại, bất chấp mọi thứ để đạt cho bằng được mục tiêu của mình.
Thế nhưng, không phải mục tiêu lúc nào cũng đạt được, ngay cả khi đã nỗ lực hết sức, tức giận hết mình. Khi không đạt được, sẽ dẫn đến thất vọng, căng thẳng, và ngay cả có thể tạo nên bạo lực và tổn thương cho chính bản thân mình. Khi đó, khi sự tức giận đổ lên người khác không thành công, và không đạt được như mong muốn; sự tức giận quay lại với chính chủ, và có thể tạo nên sự căm ghét chính mình, không chấp nhận chính mình, tự gây tổn thương cho mình, và có thể nặng đến nỗi làm thành những tổn thương không thể được chữa lành.
Cuối cùng, ta hãy xét đến sự hư danh và tự mãn. Đầu tiên là chuyện khoe khoang, tìm cách xuất hiện, tìm cách được biết đến bằng mọi giá. Kẻ chuyên đi khoe khoang, là tù nhân của cảm giác về danh sự. Còn tự mãn là người tin rằng, mình xuất sắc hơn tất cả mọi người, và đòi hỏi mọi người tôn trọng mình, còn mình thì đi xét đoán và khinh thường, khắt khe, không chút độ lượng với người khác, và tự ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân mình.
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết, SJ Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore, Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020). |