Ngọc Yến - Vatican News
Bà Di Giovanni nhận định về vấn đề người tị nạn hiện nay: “Một cuộc khủng hoảng của tình liên đới, một thách đố cấp bách đối với thời đại chúng ta, một thách đố chất vấn lương tâm chúng ta, như là một gia đình của các quốc gia”. Bà nhắc lại rằng, hiện nay, ở nhiều khu vực trên thế giới, có hàng triệu người không được hưởng các quyền cơ bản. Và các quốc gia đón tiếp họ không nhận được sự hỗ trợ thích đáng. Do đó, một số quốc gia đón tiếp này đã thực hiện chiến lược “thuê ngoài” khi đẩy những người di cư sang một nước khác.
Theo Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, giải quyết như vậy là không bền vững, bởi vì nó né tránh trách nhiệm trực tiếp đối với dòng người di cư và tị nạn lớn qua các thoả thuận ngăn chặn họ, thường là vô thời hạn.
Toà Thánh mong muốn các quốc gia phải có các hành động cụ thể, nghĩa là cấp thị thực nhân đạo một cách hiệu quả, thận trọng và quảng đại; mở hành lang nhân đạo cho những người dễ bị tổn thương nhất, và bảo đảm các gia đình được đoàn tụ. Đồng thời, Toà Thánh kêu gọi giải quyết nguyên nhân của các cuộc xung đột và bất ổn, để mọi người có thể sống trong hoà bình và an ninh tại quốc gia của họ.
Tiếp đến, bà Di Giovanni đề cập đến tình trạng của người tị nạn đến từ Afghanistan, kêu gọi các quốc gia quan tâm đặc biệt đến những người này. Bà cũng không quên nói đến việc chăm sóc sức khoẻ cho người tị nạn. Vấn đề này phải được luật pháp và chính phủ bảo đảm để không có sự phân biệt đối xử, nhưng tập trung vào ích lợi của mỗi người và dựa trên quyền được sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Bà Di Giovanni kết thúc bài tham luận với lời kêu gọi mọi người ý thức sâu xa về tình huynh đệ của chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều chia sẻ “trách nhiệm chăm sóc anh chị em chúng ta, đặc biệt những người bị đe dọa tính mạng và tự do vì chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch và do đàn áp chính trị hoặc thuộc một nhóm xã hội đặc biệt”. Thứ trưởng ngoại giao Toà Thánh kết luận: “Nếu không có tình huynh đệ này, thì không thể xây dựng một xã hội công bằng và một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”. (CSR_6731_2021)