Ngọc Yến - Vatican News
Những chỉ dẫn được Đức Thánh Cha đưa ra như một hướng dẫn liêng thiêng, không chỉ hữu ích cho giáo phận Roma, mà còn cho cả các giáo phận khác để thực hiện giai đoạn đầu của Thượng hội đồng ở cấp Giáo phận. Điều quan trọng là Giáo phận cùng nhau dấn thân trong hành trình này với niềm xác tín.
Đức Thánh Cha giải thích “Thượng hội đồng” có nghĩa là “cùng nhau bước đi”. Sách Công vụ Tông đồ là một lịch sử về một hành trình khởi đi từ Giêrusalem, qua Samaria và Giuđê, tiếp tục đến các vùng Syria và Tiểu Á, rồi đến Hy Lạp, kết thúc ở Roma. Con đường này kể về lịch sử, trong đó Lời Chúa và những người hướng sự chú ý và đức tin vào Lời Chúa cùng nhau bước đi. Mọi người đều nắm giữ vai chính, không ai ở vị trí phụ. Lịch sử dạy chúng ta rằng đứng yên tại chỗ không thể là một tình trạng tốt đối với Giáo hội. Nhưng Giáo hội luôn bước đi. Sự chuyển động này là kết quả của sự hướng dẫn nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần, Đấng là chủ của lịch sử này.
Hai thánh Phêrô và Phaolô đã trải qua hành trình này với những khủng hoảng, mạo hiểm, chất vấn, sai lầm, học được từ sai lầm, và trên hết là hy vọng mặc cho giữa những khó khăn. Họ là các môn đệ của Thánh Thần khi mở tung cánh cửa, phá đổ các bức tường, mở tháo xiềng xích và xoá bỏ biên giới. Do đó, họ nhất thiết phải lên đường, đổi hướng, vượt qua những xác tín vốn cản trở chúng ta di chuyển và bước đi cùng nhau.
Thêm vào đó, chúng ta không thể hiểu tính “công giáo” nếu không để mình mở ra một chân trời rộng lớn, hiếu khách và không biên giới. Trong sách Công vụ Tông đồ, các vấn đề cũng nảy sinh liên quan đến việc tổ chức khi số tín hữu gia tăng, đặc biệt trong việc chăm sóc những người nghèo. Khi đó, họ đã quyết định cùng nhau để cử 7 phó tế chăm lo toàn thời gian cho “việc phục vụ bàn ăn”.
Bên cạnh đó, căng thẳng cũng xảy ra khi lối nhìn và thái độ khác nhau, nhưng tất cả đều được giải quyết dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, như liên quan đến việc cắt bì đối với những người Do Thái trở lại, được thảo luận tại Công đồng Giêrusalem. Đức Thánh Cha nhận xét rằng: ngày nay, chúng ta cũng cần kiên nhẫn trong việc nhìn nhận vấn đề, điều này giúp cho có một lối nhìn dài rộng và sâu xa: Thiên Chúa nhìn xa, Thiên Chúa không hấp tấp.
Đức Thánh Cha nhắc lại một diễn tả trong sách Công vụ Tông đồ: “Thánh Thần và chúng tôi”. Nhưng ngược lại, chúng ta có cám dỗ làm một mình, quyết định không cần Thánh Thần. Giữa dân Chúa sẽ luôn có những tranh luận, nhưng phải tìm kiếm các giải pháp bằng cách để cho Lời Chúa và tiếng nói của Người hiện diện giữa chúng ta. Cần cầu nguyện và mở rộng tầm nhìn đối với mọi vấn đề xung quanh, thực hành đời sống đức tin theo Tin Mừng.
Với những giải thích trên, Đức Thánh Cha đi trực tiếp vào tiến trình thượng hội đồng, giai đoạn cấp Giáo phận. Ngài cho rằng, giai đoạn này rất quan trọng, vì nó liên quan đến tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa tội. Ở điểm này, cần phải vượt qua hình ảnh một Giáo hội bị phân biệt cứng nhắc giữa những vị đứng đầu và những người bị coi là cấp dưới, giữa những người giảng dạy và những người phải học hỏi; và quên rằng Thiên Chúa thích lật nhào vị thế: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52).
Đối với cụm từ “Dân Chúa”, thường được nhắc đến trong tiến trình thượng hội đồng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng, khái niệm “Dân Chúa” đôi khi vẫn còn những cách quảng diễn cứng nhắc và đối kháng, bị đánh lừa trong ý tưởng về sự độc quyền, đặc ân.
Cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người không nản lòng, hãy sẵn sàng cho những điều bất ngờ. Bởi vì một khi chúng ta tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần, thì Thánh Thần sẽ luôn làm cho tiếng nói của Người được lắng nghe. Bởi vì ngay cả một con lừa cũng có thể trở thành tiếng nói của Thiên Chúa, mở mắt và chuyển hướng sai lầm của chúng ta (Ds 22) (CSR_6313_2021)