Ngày nào cũng thế, đệ tử chỉ hỏi Minh Sư mỗi một câu: “Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?” Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn: “Bằng sự ước muốn.” “Nhưng con ao ước Thượng Đế hết tâm hồn! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?”
Ngày kia, có dịp Minh Sư cùng đệ tử đó đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân. Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện: “Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?” “Bởi vì con muốn hít thở không khí.” “Khi con nhận lãnh ơn khao khát hít thở Thượng Đế cũng như con khao khát hít thở không khí thì con sẽ gặp gỡ Ngài.”[1]
Trò chuyện thiêng liêng:
Khi đọc câu chuyện của cha Anthony de Mello trên đây, tôi nhớ đến người bạn chia sẻ với tôi rằng: “Thầy biết không, lúc con bị nhiễm Covid-19, cảm giác khó thở thật kinh khủng. Con như sắp chết vậy. Những giờ khắc đó con ước sao mình được hít thở không khí một cách bình thường. Tạ ơn Chúa đã cho con được vượt qua căn bệnh khủng khiếp ấy.” Hoặc một linh mục viết trong những ngày bị nhiễm Covid: “Tạ ơn Chúa, sức khỏe dần dần trở lại, đầu cũng bớt choáng váng, ăn ngon hơn, ăn được nhiều hơn, không còn sợ ăn, không còn sợ nước, không còn cảm giác nóng lạnh hay khó thở…Không phải uống thuốc, không còn những buổi chiều nóng lạnh ngồi trong nhà nguyện mà chỉ mong thánh lễ mau qua…Mình đã có thể hát trong thánh lễ, dù cho vẫn còn yếu thấy rõ, nhưng đi đứng, đối đáp và hát thì đã gần như bình thường. Đi dạo được nhiều hơn, dầu cho hít thở sâu vẫn là một cái gì đó khó chịu, không giữ hơi trong lòng ngực được lâu, nhưng cảm giác cơ thể tiếp nhận khí trời và sự thanh lọc trong cơ thể đang diễn ra…” Đúng là chỉ khi trong cuộc mới trải nghiệm được thế nào là hiểm nguy và cần thở.
Bạn thân mến,
Không cần nói, ai cũng biết hơi thở liên quan đến sự sống của con người. Chết nghĩa là tắt thở, còn thở nghĩa là còn sự sống trong mình. Không ai muốn chết, nghĩa là ai cũng muốn được hít thở khí trời. Có lẽ trong lần đại dịch này, virus cũng cho chúng ta thấy giá trị của bầu không khí trong lành mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta chia sẻ với những bệnh nhân đang phải cần máy trợ thở lúc này. Lời cầu nguyện của từng người hy vọng Thiên Chúa giúp họ được hồi sinh. Mong sao dưỡng khí đủ để các bệnh nhân vượt qua sức công phá của virus Corona.
Trong câu chuyện trên đây, chúng ta có thể biết thêm được một cách cầu nguyện bằng hít thở. Chọn một tư thế thật thoải mái, nơi thoáng mắt và yên lặng. Sau đó hít chậm rãi thật sâu với ý nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự vào tâm hồn con.” Nín thở một chút, sau đó thở ra thật mạnh với ý nguyện: “Lạy Chúa, này con đây.” Nếu thực tập điều này trong vài phút, chắc chắn bạn đủ dưỡng khí và tâm hồn cũng được chút bình an. Bạn có thể kết thúc với lời nguyện của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.” Cách cầu nguyện này thật thích hợp trong ngôi nhà của bạn, có thể trước cửa sổ mở hoặc ngoài sân.
Ở vế hai, vị Minh sư trên đây nhắc đến một yếu tố quan trọng giúp bạn cầu nguyện gặp được Thiên Chúa: Ước muốn. Điều này không mới trong linh đạo, khi các nhà thiêng liêng khuyên người cầu nguyện nuôi lòng ao ước gặp Thiên Chúa. Chẳng hạn thánh I-nhã trước mỗi bài cầu nguyện, bao giờ cũng nhắc người ta cần có lòng ao ước (xin điều tôi ao ước). Thậm chí nếu chưa có ao ước này, thì người cầu nguyện cần xin với Chúa cho con “có lòng ao ước điều ao ước!” Lý do là người ta chỉ làm thành công với mục tiêu và lòng muốn. Để có được điều này, thánh I-nhã cũng chỉ cho người ta vài cách (x. Linh Thao 73-90):
– 1. Khi đã nằm xuống và sắp sửa ngủ, trong khoảng thời gian bằng đọc một kinh Kính Mừng, tưởng nghĩ đến giờ tôi phải thức dậy và để làm gì.
– 2. Khi thức dậy không nghĩ đến gì khác, nhưng để tâm vào ngay điều tôi sắp suy ngắm, cầu nguyện.
Như vậy với quỹ thời gian dồi dào như lúc này, thật tốt để trong những bận tâm của tôi luôn có ao ước đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ao ước ấy nếu mạnh như nhu cầu hít thở không khí, chẳng lẽ Thiên Chúa không đưa bạn đến với Ngài sao? Nói cách khác, ngay khi bạn có ao ước cầu nguyện, đến gặp Chúa là bạn đã thực sự cầu nguyện rồi. Hơn nữa, Giáo hội dạy rằng: “cầu nguyện là ân huệ, là quà tặng của Thiên Chúa, phát xuất từ nỗi khát của Thiên Chúa khao khát con người chúng ta; cầu nguyện cũng xuất phát từ nỗi khao khát của con người chúng ta, nỗi khát này lại do chính Thiên Chúa đã đặt trong con người. Hai nỗi khát này tìm nhau, trao đổi, làm thỏa mãn cơn khát của nhau, đó là cầu nguyện.”[2]
Để kết thúc, bạn thử dừng lại, hít thở thật sâu và thở ra thật mạnh. Thử làm đôi phút! Rồi với trải nghiệm thú vị này, bạn thử mời gọi các thành viên trong nhà làm theo. Hy vọng các thành viên đều cảm nhận được hiệu quả mà khí trời mang lại. Điều quan trọng hơn, đừng quên không khí, sự sống là món quà Thiên Chúa dành tặng nhưng không cho con người. Đành rằng Trong tự nhiên, oxy tự nhiên được sinh ra từ việc phân giải nước trong quá trình quang hợp oxy dưới tác động của ánh sáng, nhưng đó là công trình của Chúa. Từ thuở tạo thiên lập địa, Ngài đã quan phòng trao tặng vũ trụ này cho con người chăm sóc và hưởng dùng. Có lẽ lúc này là thời gian để mỗi người nói lên lời cảm ơn, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, vì hồng ân sự sống Chúa ban trong bầu khí quyển này.
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ.
[1] Anthony de Mello SJ, Một Phút Minh Triết, dịch giả Đỗ Tân Hưng
[2] Xem Youcat dẫn nhập phần IV |