Trong các cuộc thảo luận về vấn đề phụng vụ, đặc biệt phổ biến trong Giáo hội Pháp, người ta không hiếm khi nghe nói đến “thánh lễ dưới hình thức ngoại thường”. Thành ngữ này đề cập đến điều gì?
1. Nguồn gốc của thành ngữ
Năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI đã ban hành tự sắc Summorum pontificum để mở rộng tự do cho việc sử dụng phụng vụ trước Công đồng Vatican II. Trong văn bản này, ngài giải thích rằng nghi thức Rôma là duy nhất nhưng có hai hình thức, thông thường và ngoại thường. Hình thức thông thường là hình thức đang diễn ra trong Giáo hội kể từ Công đồng, hình thức ngoại thường là hình thức có trước hình thức thông thường. Cách gọi tên này hiện không còn được Rôma dùng, kể từ khi Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong tự sắc năm 2021, Traditionis custodes, đã hạn chế việc sử dụng sách lễ cũ.
2. Thánh lễ theo Sách lễ năm 1962
Ngày nay, thành ngữ “thánh lễ dưới hình thức ngoại thường” quy chiếu đến thánh lễ theo Sách lễ năm 1962, ấn bản thứ sáu của sách lễ của Công đồng Trentô, vốn chỉ chịu một ít sửa đổi kể từ khi được Thánh Piô V ban hành vào năm 1570. Công đồng Trentô rồi đến các Đức Giáo hoàng cho đến Đức Gioan XXIII chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ trong phụng vụ, việc cử hành nghi thức này đã có từ những thế kỷ đầu tiên đối với cấu trúc và các văn bản cơ bản của nó, được cải cách một phần dưới thời Charlemagne và trong thời kỳ thường được gọi là cải cách Grégorien.
3. Các đặc điểm của phụng vụ cổ xưa
Trong việc cử hành Thánh lễ với sách lễ năm 1962, phụng vụ được cử hành bằng tiếng Latinh và hướng về phía Đông, từ đó sinh ra ngày biểu tượng về sự phục sinh, nhấn mạnh đến Hy tế của Chúa Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Theo cách hiểu hữu cơ về Giáo hội, linh mục thực sự là người trung gian và chuyển lời cầu nguyện của tín hữu, làm nảy sinh những khoảng cách giữa việc mỗi người làm và những giây phút thinh lặng quan trọng trong đó linh mục thưa với Chúa như trong phụng vụ ở đền thờ Giêrusalem, đằng sau bức màn của Đấng Chí Thánh. Chính như thế mà lễ quy (kinh nguyện Thánh Thể) được đọc trong sự im lặng thánh.
4. Ai được cử hành thánh lễ này?
Kể từ khi Traditionis custodes, tự sắc do Đức Thánh Cha Phanxicô viết vào năm 2021, việc sử dụng thánh lễ này đã bị hạn chế. Các linh mục được Giám mục của họ cho phép và được ủy nhiệm cho điều đó hoặc bất kỳ linh mục nào được Rôma cho phép rõ ràng đều có thể cử hành lễ này. Phụng vụ cổ xưa cũng có hiệu lực trong các cộng đồng trước đây được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI cho phép cử hành như vậy: Tu viện Chúa Kitô Vua, Huynh đoàn Thánh Phêrô, Tu viện Mục Tử Nhân Lành, Tu viện Đức Bà Fontgombault và các cộng đoàn con của nó, tu viện Sainte-Madeleine du Barroux…
5. Những tên gọi khác
Người ta cũng thường nói đến “thánh lễ Trentô”, “thánh lễ theo sách lễ Đức Gioan XXIII”, “thánh lễ bằng tiếng Latinh”, “thánh lễ truyền thống”, “phụng vụ cổ xưa”, “thánh lễ đời đời”, “thánh lễ Thánh Piô V”… Tên gọi chính xác là: “Thánh lễ được cử hành theo sách lễ năm 1962”.
Tý Linh (theo Valdemar de Vaux, Aleteia) |