Trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, có biết bao hạt giống các thánh đã mục nát theo Hạt khởi đầu là Đức Giêsu Kitô, để Hội Thánh hôm nay có được những cánh đồng lúa nặng trĩu hạt. Trong muôn vàn hạt giống ấy, không thể không kể đến Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, được lịch sử biết đến như “người cha của công cuộc truyền giáo hiện đại”, “đại bàng thần bí”, “một tâm hồn say mến Thập Giá Đức Kitô”, người đã gieo vãi và vun trồng những cánh đồng đức tin bên bờ Đông Nam lục địa Á Châu. Ngài là một trong ba vị Giám mục Thừa Sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại Diện Tông Tòa, được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ XVII, và là một trong hai vị đồng sáng lập Hội Thừa Sai Paris (MEP). Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, sự đóng góp của Đức Cha Lambert thật lớn lao, bởi lẽ, chính ngài là người truyền chức cho các linh mục bản xứ đầu tiên, khai sinh hàng giáo sĩ địa phương, và sáng lập Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ bản xứ đầu tiên của Châu Á tại Đàng Ngoài, Đàng Trong và Thái Lan. Sát cánh với các vị thừa sai khác, ngài đã gieo vào lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một nền linh đạo tập trung vào Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, để chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.
1. GIAI ĐOẠN TẠI PHÁP (1624-1660)
Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28/01/1624 tại Lisieux, phía Tây Bắc nước Pháp, trong một gia đình quý tộc giàu sang, rất đạo đức, thuộc giới tư pháp thời vua Louis XIII. Cậu được hưởng nền giáo dục chu đáo của một đứa trẻ thuộc giới quý tộc về kiến thức cũng như tâm linh. Cậu hay tiếp xúc với giới nông dân và chia sẻ của cải cho người nghèo, thường đi dạo trong rừng vắng để cầu nguyện, rất say mê suy niệm sách Gương Phúc và mang khuynh hướng thần bí (được ơn soi sáng thành lập Dòng lúc lên 9 tuổi). Pierre Lambert sớm chịu cảnh tử biệt: ba người em đã qua đời khi cậu chưa được 9 tuổi, mồ côi cha lúc hơn 11 tuổi, chịu tang bà nội khi 14 tuổi, và mồ côi mẹ vào tuổi 16. Vì là trưởng nam, nên sau một loạt các biến cố xảy đến với gia đình, Pierre Lambert không còn nghĩ đến ơn gọi làm tu sĩ hay linh mục nữa. Tuy nhiên, trong thời gian theo học tại trường trung học của các tu sĩ Dòng Tên, vùng Caen, cậu được cha Simon Hallé dẫn vào đời sống khổ hạnh nên đã tập được nhiều thói quen tâm linh hiếm thấy ở các thiếu niên thời bấy giờ.
Học xong trung học, theo đúng truyền thống gia đình, Pierre Lambert tiếp tục học luật và trở thành luật sư tại Nghị viện Paris khi mới 22 tuổi (1646). Sau một thời gian ngắn, ngài được làm Thẩm Phán tại Tòa Án Thuế Vụ ở Rouen nhờ được nhà vua ban sắc lệnh miễn chuẩn các điều kiện vì ngài chưa đủ 25 tuổi và chưa có bốn năm hành nghề luật sư. Trong thời gian này, ngài gia nhập Hiệp hội Thánh Thể, tham gia các việc Tông đồ giáo dân, trung thành với các vị thầy linh hướng, luyện tập một đời sống đức tin trổi vượt nên nổi tiếng là “một Thẩm Phán không những khôn ngoan, khéo léo mà còn liêm trực”. Do ảnh hưởng của ba vị thầy thiêng liêng thời danh lúc bấy giờ là ông Henri de Lévis, ông Jean de Bernières de Louvigny và thánh Jean Eudes, Pierre Lambert đã giằng co phân định và cuối cùng đã tìm ra hướng đi cho đời mình là làm linh mục và thừa sai (sau 5 năm phân định và cuối cùng là 5 tháng tĩnh tâm tại Ẩn Viện Caen).
Ngày 30/04/1655, ngài từ chức Thẩm Phán tại Tòa Án Thuế Vụ và ước ao được tham gia vào chương trình truyền giáo tại Canada. Ngài được ông Bernières dẫn đến Paris để đăng ký xin vào tổ chức truyền giáo nhưng bất thành. Ngài trở lại Caen để tĩnh tâm 30 ngày. Ít lâu sau, nhân dịp Đức Giám mục Bayeux tới Caen, ngài xin chịu phép cắt tóc để gia nhập hàng giáo sĩ và bốn chức nhỏ là giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ và giúp lễ. Ngày 21/12/1655, ngài lãnh nhận chức phó tế và ngày 27/12/1655, ngài lãnh nhận chức linh mục tại Bayeux.
Sau khi được thụ phong linh mục, cha Lambert được mời làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội ở Rouen. Ngài dấn thân hết mình cho công việc bác ái mang tính chất xã hội và mục vụ. Tại đây, cùng với em trai của mình là thầy Nicolas Lambert de la Motte, ngài lập một chủng viện, sau đó trao lại cho các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria điều hành. Đồng thời, cha hăng say với công việc dạy giáo lý, lập cô nhi viện và một trung tâm tiếp đón những thiếu nữ hư hỏng, tổ chức những buổi giảng huấn cho các giáo sĩ, sinh hoạt trong các hội đoàn đạo đức như Hiệp Hội Thánh Thể của Dòng Tên và Dòng Ba Hèn Mọn.
Trong khi sinh hoạt với nhóm Bạn Hiền, ngài khám phá ra chương trình truyền giáo tại Việt Nam. Dưới sự đồng hành của cha linh hướng Simon Hallé, ngài trở lại Paris gặp ban tổ chức truyền giáo Việt Nam và ngỏ ý xin được gia nhập đoàn thừa sai. Ngài lại muốn dâng hiến tất cả gia sản của mình cho việc truyền giáo. Ngày 18/11/1657, ngài lên đường đến Rôma với năm linh mục khác để xúc tiến cho việc truyền giáo. Cuối năm đó, bốn linh mục trở lại Pháp, còn cha Pallu và cha Lambert ở lại Rôma cùng soạn thảo dự án chương trình truyền giáo cho tương lai.
Ngày 27/07/1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII bổ nhiệm cha Pallu làm Giám mục hiệu tòa Héliopolis và cha Lambert làm Giám mục hiệu tòa Bérythe. Vào ngày 09/09/1659, Tòa Thánh lại bổ nhiệm hai vị tân Giám mục này làm Đại Diện Tông Tòa đi truyền giáo tại Viễn Đông. Đức Cha Lambert phụ trách miền Đàng Trong Việt Nam, Chiêm Thành, đảo Hải Nam, bốn tỉnh miền Tây và Nam Trung Hoa.
2. GIAI ĐOẠN TẠI CHÂU Á (1660-1679)
Ngày 18/06/1660, Đức Cha Lambert âm thầm rời Paris lên đường sang Châu Á, có cha Jacques de Bourges tháp tùng. Khi vừa tới Lyon, Đức Cha ngã bệnh nặng, phải nằm liệt 52 ngày liền. Nhưng rồi, ngài đã lành bệnh đột ngột, khiến thầy thuốc điều trị coi đó như một phép lạ. Đức Cha tiếp tục lên đường, khi tới Marseille, ngài nhận thêm cha Francois Deydier vào đoàn thừa sai, và lên tàu vượt biển Địa Trung Hải vào ngày 27/11/1660. Hành trình thật kín đáo, đến nỗi cả người em ruột của Đức Cha Lambert cũng chỉ được biết sau vài ngày. Ngài đi theo lộ trình mà Thánh Bộ đã đề nghị, đã phải trải qua nhiều hành trình đường thủy, đường bộ với muôn vàn hiểm nguy. Ngày 22/08/1662 (sau 2 năm, 2 tháng, 4 ngày), ngài mới đến Juthia, Thái Lan. Vì lúc đó ở Việt Nam đang có những cuộc bách hại dữ dội, Đức Cha không thể tới miền Đàng Trong được nên ngài tạm ở lại Juthia. Sau 40 ngày tĩnh tâm, ngài bắt tay vào công cuộc truyền giáo bằng việc khởi công xây dựng những cơ sở cần thiết như nhà ở, nhà thờ, trường học và một nhà thương. Đồng thời, ngài bắt đầu học tiếng Thái, tiếng Việt và hội nhập văn hóa với người bản địa. Những năm đầu tiên, ngài gặp rất nhiều khó khăn với chế độ Bảo trợ Bồ Đào Nha trong các hoạt động mục vụ.
Năm 1664, cùng với Đức Cha Pallu, Đức Cha Lambert tổ chức công đồng Juthia, với ba quyết định quan trọng: Lập Hội Tông Đồ, xây dựng một Chủng Viện cho cả vùng Viễn Đông, và soạn thảo Huấn Dụ Monita gửi các thừa sai. Sau công đồng, ngài thành lập Hội Tông Đồ (không được Tòa Thánh chấp thuận vì quá nhiệm nhặt) và Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô (1668).
Tại Juthia, ngài luôn thao thức thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, nên vào giữa năm 1668 đến đầu năm 1669, ngài lần lượt truyền chức linh mục cho thầy Giuse Trang (Đàng Trong), Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ (Đàng Ngoài) Luca Bền (Đàng Trong). Đây được coi là thời điểm khai sinh hàng giáo sĩ của Giáo Hội Việt Nam.
Kinh lý Đàng Ngoài từ 30/08/1669 đến 14/03/1670 (thay cho Đức Cha Pallu): Ngài thành lập Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, truyền chức linh mục cho 7 thầy giảng Đàng Ngoài, triệu tập công đồng Phố Hiến (14/02/1670) với mục đích đưa Giáo phận Đàng Ngoài thoát khỏi quyền lực của chế độ Bảo trợ và hiệp thông trực tiếp với Tòa Thánh Rôma. Sau công đồng, ngày 19/02/1670, ngài thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài, và nhận lời khấn của hai nữ tu đầu tiên là Anê và Paula trên một chiếc thuyền tại Phố Hiến.
Kinh lý Đàng Trong lần I (1671-1672): Ngài thăm các xứ đạo, ban các Bí Tích, củng cố đức tin cho các tín hữu, lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ năm 1671, với mười nữ tu. Ngài cũng chủ tọa công đồng Hội An thông qua nghị quyết gồm mười điều liên quan tới việc công bố sắc dụ của Tòa Thánh về quyền bính của các Đại Diện Tông Tòa và xác định nhiều điều quan trọng khác. Cuối tháng 03/1672, ngài về tới Juthia đem theo mười thiếu niên và một thầy giảng để gia nhập Chủng viện Thánh Giuse.
Sau khi trở lại Thái Lan, ngài thành lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan (1672), tổ chức những sinh hoạt đa dạng, tạo được uy tín lớn với vua Thái Lan và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho lương dân, đặc biệt cho người Việt gốc Đàng Trong và các phật tử Thái Lan.
Kinh lý Đàng Trong lần II (1675-1676): Ngài gặp nhiều sự kiện đau lòng vì Giáo Hội Đàng Trong đang có nguy cơ chia rẽ nghiêm trọng. Nhưng cuối cùng, nhờ thái độ vừa nhân từ vừa cương nghị, ngài tái lập được trật tự cho vùng truyền giáo của mình.
Vào cuối đời, uy tín của Đức Cha càng lên cao khi thiết lập được mối thân tình với giới tăng lữ Phật Giáo, được vua Phra-na-rai của Thái Lan cũng như Chúa Hiền Vương tại Đàng Trong quý trọng.
Ngày 02/01/1679, Đức Giáo hoàng Innocent XI ban đoản sắc Cum Sicut, phê chuẩn và công nhận Hội Mến Thánh Giá bằng việc ban những ân xá. Như vậy, ý tưởng mà Đức cha Lambert nuôi dưỡng suốt 46 năm đã thành hiện thực.
Chứng bệnh sạn thận làm cho Đức Cha Lambert đau đớn nhiều, khiến ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Trong cơn bệnh ngài thường tự nhủ: “Can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khó vì Chúa”. Và ngài không ngừng dâng lời tạ ơn: “Đến muôn đời con ca ngợi lòng từ bi Chúa”.
Vào lúc 4h00 sáng, ngày 15/06/1679, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte an nghỉ trong Chúa tại Juthia, sau một đời dấn thân loan báo Tin Mừng vì danh Đức Kitô và có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng Giáo Hội tại Á Châu. Ngài đã rời nước Pháp lúc 36 tuổi và đã được Chúa đón về Quê Hương Vĩnh Cửu vào độ tuổi 55. Thân xác của ngài được an táng trong Nhà thờ Thánh Giuse tại Juthia, Thái Lan.
Trong suốt thời kỳ phôi thai của Giáo Hội Việt Nam và trong những tháng ngày tiếp theo của hành trình đón nhận Tin Mừng cứu độ nơi đây, Đức Cha Lambert được ví như một “quà tặng nhưng không” của Thiên Chúa gửi đến đúng thời đúng buổi cho mảnh đất khô cằn đang chờ đợi một cơn mưa hồng ân. Chính Đức Cha Pallu, người bạn đồng hành và đồng chí hướng của Đức Cha Lambert, đã khẳng định trong lời cảm tưởng: “Công trình mà Đức Giám mục hiệu tòa Bérythe đã thực hiện trong đời ngài, không ai khác có thể làm nổi”, và sử gia Adrien Launay đã nhận định: “Sau Thiên Chúa, chính nhờ Đức Cha Lambert, chúng ta có được những công trình hiện nay tại Thái Lan, Đàng Trong và Đàng Ngoài, là những nơi ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn và đương đầu với bao cơn bão táp”. Thật vậy, người ta không thể tưởng tượng được Giáo Hội Việt Nam sẽ như thế nào nếu không có một người cha đặt “nền tảng tông truyền” vững chắc như Đức Cha Lambert và công cuộc truyền giáo tại đây sẽ ra sao nếu thiếu vắng những bước chân của người nữ tu Mến Thánh Giá - những người con tinh thần của ngài.
Liên quan đến tiến trình phong thánh cho Đức Cha Lambert, từ năm 2009, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức trình lên Toà Thánh Thỉnh Nguyện Thư, để xin phong Chân phước và phong Thánh cho Đức Cha Lambert và Đức Cha Pallu. Từ tháng 03/2018, hồ sơ liên quan đến Đức Cha Lambert được trao cho Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đảm trách, còn hồ sơ liên quan đến Đức Cha Pallu thì trao cho Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên. Vào ngày 13/01/2024, thánh lễ tạ ơn và Phiên khai mạc cuộc điều tra án phong chân phước và phong thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de la Motte đã được mở ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao thuộc Giáo phận Phan Thiết.
Hiện nay, toàn thể Giáo Hội Việt Nam đang cầu mong cho Đức Cha Lambert - “Vị Tông Đồ Thập Giá tại Á Đông” được Mẹ Giáo Hội tuyên phong lên bậc hiển thánh, để ngài trở nên cột trụ tinh thần thúc đẩy bước chân của các nhà truyền giáo hôm nay và ngày mai.
|