Có bạn trẻ hỏi một vị Thiền sư: “Làm gì quan trọng nhất?”. Thiền sư trả lời: “Làm người”. Ðối với Kitô hữu, mỗi người đều làm người, trước khi làm con Chúa. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, trong diễn văn kết thúc Công đồng Vatican II, đã nói: “Phải biết con người, nếu muốn biết Thiên Chúa”. Tôi xin chia sẻ chút nghĩ suy về “Làm người văn hóa”.
Văn là người. Hóa là trở thành người. “Thiên Chúa trở thành người để con người trở thành Thiên Chúa”1. Trong tiến trình thăng tiến đó, con người hãy trước tiên làm người văn hóa. Người văn hóa cũng bao gồm đầu, thân mình và tay chân. Ở đây, mỗi cơ phận hàm chứa những đặc điểm riêng mà con người cần phải rèn luyện: Ðầu gọi là văn hóa nhận thức; thân mình là văn hóa tổ chức; tay chân là văn hóa ứng xử”.
Ðầu
Ðầu là văn hóa tư tưởng, nhận thức. Ðầu chứa đựng trung tâm hệ thần kinh, suy nghĩ. Khoa học cho biết, đầu thường chỉ tập trung và sử dụng khoảng 10%, còn tản mạn 90%. Ðầu bao gồm khuôn mặt. Tất cả con người thể hiện trên khuôn mặt. Người ta có khoa Chẩn diện, bắt mạch trên các bộ phận nằm trên mặt. Dân gian thường dạy: “Trông mặt mà bắt hình dong”; “Chọn mặt gởi vàng”. Trên khuôn mặt, vầng trán biểu lộ sự thông minh. Ðôi mắt là “Cửa sổ tâm hồn”. Tất cả hình ảnh vào và tư tưởng ra, hầu như từ mắt. Người ta thường nói: “Tình yêu đến từ đôi mắt”.
Dân gian thường nói “Có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn”; “Ăn nói có đầu có đuôi”. Ví dụ, khi nói, ta cần cho người khác biết, ta nói cái gì. Tức là giúp người tiếp nhận thông tin nhận thức điều ta muốn nói về vấn đề nào. Học và sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn, sáu câu hỏi: “Ai; Cái gì; Ở đâu; Tại sao; Ra sao; Khi nào? Những câu hỏi này trở thành công thức giúp thanh niên trưởng thành suy nghĩ khi nắm bắt thông tin, xử lý thông tin và định hướng thông tin. Người trí thức, nhân tài là người biết thao thức, nhận thức, định hướng và định hình tư tưởng.
Ðôi mắt, đôi tai, một mũi, một miệng, một cằm. Mắt, tai, mũi: “Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi”. Hai mắt, nhìn xa thấy rộng. Nhìn trước nhìn sau. Nhìn ngang nhìn dọc, quan sát. Dân gian có câu: “Giàu đôi mắt, khó hai bàn tay”; và “Số giàu đem đến dửng dưng, lọ là con mắt tráo trưng mới giàu”
Trong nhân tướng học có câu: “Thượng đỉnh, hạ các, mũi là trung tâm”. Người ta có thể giấu nhiều thứ trên mặt, nhưng không che được mũi. Xem tướng mũi là tốt nhất. Mũi: ở giữa hai tai, hai mắt và trên miệng. Chức năng: hít, thở, ngửi. Mũi biểu hiện của khí lực, sự giàu nghèo, rộng rãi, hiếu thảo hay keo kiệt. Người có mũi to, mũi rồng, biểu hiện giàu có.
Miệng: ăn, nói. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Họa do miệng, bệnh vào từ miệng, do đó nói năng phải lựa lời, cân nhắc. Người khôn “Ăn nói nửa chừng”; “Nghĩ đi nghĩ lại”; “Uốn lưỡi bảy lần mới nói”; “Ăn xong rồi mới nói”. Kinh Thánh dạy: “Mau nghe, chậm nói, khoan giận”.
Những chức năng của các cơ phận trên đầu và khuôn mặt đều gợi lên những đức tính phải đào luyện để trở thành người văn hóa. Suy nghĩ đúng, đó là chức năng của đầu, của nhận thức. Ðể có suy nghĩ đúng, phải biết nhìn, nghe để rồi biết xử sự theo kiểu “Uốn lưỡi bảy lần mới nói”.
Làm người văn hóa là làm người thao thức, trăn trở, nhận thức, muốn vươn lên “Chân thiện mỹ”. Muốn chuyển biến tới cái đúng hơn, cái tốt hơn, cái đẹp hơn. Hơn, hơn nữa, hơn mãi!
Thân mình
Ðược xem là văn hóa tổ chức, thân mình gồm ngũ tạng: Phổi, tim, gan, bao tử, thận. Mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng nối kết chặt chẽ với nhau. Phổi chứa khí. Tim chuyển máu tuần hòa. Gan gìn giữ, ướp chế thực phẩm. Bao tử đón nhận, nghiền nát, biến chế lương thực. Thận bài tiết.
Phổi - Khí. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống, một tuần, nhưng không thể nhịn thở. Tắt thở là chết. Dịch Covid-19 là dịch phổi, nên bệnh nhân cần máy trợ thở. Hiện nay, người ta phục hồi sức khỏe chủ yếu là thở. Tập dưỡng sinh, chủ yếu là thở. Tập thói quen hít sâu (phình bụng), thở dài (thóp bụng), thư giãn, thả lỏng, nghỉ. Khí còn liên quan tới Thần khí. Nói năng có hồn, tức có khí.
Tim liên quan tới cảm xúc, biểu hiện sự nhiệt tình. Con người cần luôn làm chủ trái tim, tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát: Xúc động, hờn căm, thù hận làm cho máu huyết tiết ra độc tố, có hại cho thể xác và tâm hồn.
Gan liên quan tới sự can đảm, gan dạ. Uống bia rượu quá mức, có thể gây ung thư gan, về cuối đời. Gan, liên quan tới điều kiện, làm ra của cải: “Có gan làm giàu”.
Bao tử là bộ máy tiêu hóa. Ăn nhai kỹ, thành như nước, nuốt như uống, bao tử khỏe hơn. Ngày xưa, bụng to là dấu hiệu vua, quan. Ngày nay thì trái lại, “Vòng bụng to ra, vòng đời co lại”. Người mẹ, bụng to là dấu hiệu địa vị con cái co lại; rồi đến lượt người cha, cũng tương tự. Do đó, cha mẹ cần ăn chay làm phúc (bụng) để con cái thành công và bền vững: “Ðời cha (mẹ) làm phúc, đời con sang giàu”. Bao tử còn đón nhận, nghiền ngẫm, biến thành cái của mình, nuôi sống và phát triển phong phú. Vì bụng cũng tượng trưng trí tuệ: “Nghĩ bụng”; “Ghi lòng tạc dạ”; “Bụng bảo dạ”; và “Sống để bụng, chết đem đi”.
Thận. Ðối với người văn hóa gốc nông nghiệp, lúa nước, thường hay suy yếu thận bẩm sinh, vì ảnh hưởng của âm tính: làm ruộng, thường xuyên phải sũng nước, sặc bùn. Rất liên quan tới bệnh: “Bách bệnh do thận”. Ăn uống chừng mực, không nên ăn uống thứ gì nhiều quá. Nhất là hạn chế ăn mặn, có hại cho thận, khi về già.
Sau cùng là tay chân
Tay chân biểu hiện văn hóa ứng xử. Nó có hai chiều kích, tay tiếp nhận, chân loại trừ. Chính vì thế tay chân cũng phải được đào luyện. Người văn hóa biết tiếp nhận cái hay, cái tốt, cái mới, cái có lợi, ở bất cứ người nào, nơi nào; biết gạn lọc, bổ sung làm giàu cuộc sống bản thân, gia đình và dân tộc.
Tập luyện văn hóa ứng xử giúp mỗi người biết thận trọng, kiên quyết, dứt điểm đẩy lùi, loại trừ cái xấu, tệ nạn xã hội, văn hóa đồi trụy, nguy hại cho nền đạo đức, luân lý, truyền thống dân tộc. Văn hóa ứng xử giúp mỗi người biết loại đi những gì là lỗi thời, để cách tân cho hiện đại và phù hợp với con người thời mới.
***
Con người là tuyệt phẩm của Thiên Chúa, và hơn nữa còn được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa. Trong ánh sáng của niềm tin, mỗi người được mời gọi gìn giữ tuyệt phẩm này. Việc rèn luyện và sử dụng đúng chức năng của những cơ phận cũng là góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mỗi cơ phận cũng mời gọi một phương cách “tu thân”.
Làm người văn hóa trước để rồi cao hơn, xa hơn là làm con Thiên Chúa và làm Chúa. Không biết làm người thì không biết Thiên Chúa và trở nên Chúa. Ðiều quan trọng, giá trị nhất là biết làm người tình nghĩa, biết ơn, có trước có sau, khao khát sự chính trực, chỉ muốn và làm điều tốt cho nhau, một cách nhưng không, không lợi dụng.
Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh