Đối thoại thiêng liêng là phương pháp được Đức Phanxicô lựa chọn cho các cuộc thảo luận nhóm nhỏ của Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội khai mạc ngày thứ tư 4 tháng 10-2023.
Phỏng vấn bà Annick Bonnefond, người tháp tùng các nhóm Linh thao để phân định theo cách tông truyền chung (Exercices spirituels pour un discernement apostolique en commun, ESDAC)
Đối thoại thiêng liêng là gì?
Bà Annick Bonnefond: Đó là một cuộc trò chuyện khiêm tốn, sâu sắc và đầy chú ý, với nét đặc biệt là cởi mở đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Được cảm hứng từ Linh thao của Thánh I-Nhã, đối thoại được thực hiện theo hai nhóm hoặc nhiều hơn trong bối cảnh kitô giáo hoặc trong bối cảnh thân tình, gia đình, nghề nghiệp. Cuộc trao đổi này dựa trên đức tin vững chắc của ít nhất một trong số những người tham dự, rằng Chúa Thánh Thần được ban cho mọi người; lắng nghe Ngài vừa mang tính nội tâm (chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta) vừa hướng về lời nói của người khác. Liên quan đến cách nghe và cách nói.
Thế nào là nghe?
Trước hết, Thánh Giacôbê nhắc chúng ta: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1:19). Lắng nghe thực sự là một con đường đòi hỏi khắt khe. Nó đòi hỏi phải hoàn toàn chú ý – chú ý đến những gì được nói và cách nói – mà không bị phân tâm bởi những gì mình muốn nói lại, gạt bỏ những định kiến và phán xét của mình; tin chắc những gì người khác mang lại cho tôi vào lúc đó là quý giá. Đó là “bảo vệ đề xuất” của anh em chúng ta, như Thánh I-Nhã nói, mà không đặt họ lên bệ.
Còn lời nói thì sao?
Đó là từ ngữ mang tính cá nhân (thể hiện bằng chữ “tôi” chứ không bằng “chúng tôi”), thấm nhuần tự do, sự thật và can đảm. Lời nói được cân nhắc và suy nghĩ. Đó là lời nói của kinh nghiệm được chia sẻ.
Mục đích của cuộc đối thoại thiêng liêng nhóm là gì?
Để đi đến một quyết định, được tất cả những người tham dự chia sẻ. Chúng tôi xem nhóm như một chủ thể theo đúng nghĩa của nó, với một lịch sử được đọc lại để khám phá sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa. Lắng nghe có hai mặt: lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe đời sống chung.
Bà có ví dụ nào về việc phân định cộng đồng không?
Chúng tôi có và rất đa dạng: tháp tùng khi đi tìm chỗ ở chung cho sinh viên hoặc cho đại hội thế giới của Cộng đồng Đời sống kitô hữu ở Buenos Aires năm 2018, nhằm dẫn đến những hướng đi mới; việc sáp nhập hai dòng tu hoặc thành lập một hiệp hội giáo dân, gồm hàng chục phụ nữ có hoàn cảnh và cuộc sống rất khác nhau. Một trường hợp đáng chú ý khác: một tĩnh tâm có hàng chục người, những người sống sót sau nạn diệt chủng Rwanda, những người chọn đặt mình phục vụ người dân bị tổn thương của họ.
Bà đã nhận thấy những lợi ích gì?
Sự thoát ra khỏi mình của những người tham dự: sẵn sàng bỏ quan điểm của mình nếu thấy nảy sinh một ý tưởng hay hơn. “Tôi” và “bạn” hướng tới “chúng tôi” – một chiều hướng thường bị lãng quên trong xã hội theo chủ nghĩa cá nhân của chúng ta. Đối diện với các vấn đề về quản trị và quyền lực, tôi nhớ đến cộng đồng này, họ dành thời gian để giải quyết những căng thẳng của họ. Việc khám phá lại các giá trị sâu sắc của họ đã phát triển sự hiệp thông giữa những người tham gia và đưa ra quyết định nhất trí.
Marta An Nguyễn dịch |