Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi
Cha Pio Pietrelcina (1887-1968) là một vị thánh của thế kỷ XX. Ngay từ khi còn sống ngài được Chúa ban cho nhiều đặc sủng, làm nhiều dấu lạ, giúp đỡ nhiều người sống đức tin và chữa lành nhiều tật bệnh hồn xác. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước (02.5. 1999) và phong thánh (16 .6. 2002). Trước khi lìa đời, ngài được anh em trong dòng và con cái thiêng liêng xin để lại một chúc thư. Ngài không viết chúc thư, nhưng chỉ nói vài lời. Tựu trung, chúc thư tinh thần ngài để lại cho con cái là: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho người khác yêu mến Mẹ. Hãy luôn lần hạt Mân côi”. Có thể nói đó là cách một vị thánh truyền lại bí quyết nên thánh của mình: yêu mến Đức Me và lần hạt mân côi. Không có gì đơn sơ hơn điều đó. Một thực hành vừa tầm tay mọi người. Bất kỳ già trẻ lớn bé, người học thức hay giới bình dân đều có thể áp dụng trong đời sống mình.
Yêu mến Đức Mẹ là con đường dẫn đến Chúa Giêsu. Và lần hạt Mân Côi là phương thế để bày tỏ tình yêu đối với Đức Mẹ.
Trong Năm Phụng Vụ, Hội Thánh dành hai tháng để kính Đức Mẹ: Tháng Năm và Tháng Mười. Vào Tháng Năm, tín hữu có thói quen dâng kính Mẹ Thiên Chúa những bông hoa trong thiên nhiên. Vào Tháng Mười, Hội Thánh dâng lên Mẹ Thiên Chúa những hoa hồng nhiệm, là những kinh Kính mừng. Cả hai cách đều đáng khích lệ, vì là những phương thế biểu dương lòng sùng kính Mẹ. Nhưng Hội Thánh khích lệ giáo hữu năng đọc kinh Kính mừng vì là những lời được trích dẫn từ Phúc Âm. Trải qua nhiều thế kỷ, các Đức Giáo Hoàng thường không bỏ cơ hội nào để nhắc nhở tín hữu đọc kinh Mân Côi. Trong thời đại của chúng ta, chính Mẹ Thiên Chúa, qua các thị nhân, khuyên bảo tín hữu năng lần hạt Mân Côi để được ơn cứu độ cho bản thân và cứu độ thế giới. Kinh Mân Côi đem lại bình an cho tâm hồn và hòa bình cho thế giới.
Năm 1917, Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ chăn chiên ở Fatima, khi chúng đang lần hạt. Người khuyên ba trẻ lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Và còn nhắn nhủ mọi người lần hạt Mân Côi để thế giới được an hưởng thái bình. Vào lần hiện ra cuối cùng, ngày 13.10.1917, Người tự giới thiệu như: Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.”
Lần hạt Mân Côi vừa là lời kinh chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa là việc tưởng nhớ Mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, từ trong cung lòng Đức Maria. Chuỗi Mân Côi là một trường học cầu nguyện và chiêm niệm, điều đó giả thiết phải thực hành đều đặn. Chuỗi Mân Côi đem đến cho người cầu nguyện hai lợi ích chính.
1) Ích lợi cho chính bản thân. Được sống trong ân sủng Thiên Chúa. Thắng ma quỷ. Và khi rủi sa ngã thì được ơn hoán cải và cứu rỗi.
Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort trong Bí quyết kinh Mân Côi nói đến lợi ích của kinh Mân Côi: “Người đọc kinh Mân Côi phải ở trong tình trạng ân sủng hay ít nhất quyết tâm ra khỏi tội lỗi của mình, bởi vì toàn bộ thần học dạy chúng ta rằng những việc tốt lành hay kinh nguyện trong tình trạng tội trọng, là những công việc chết” (§117).
2) Ích lợi cho Hội Thánh, cho thế giới. Kinh Mân Côi đem lại ơn cứu độ cho kẻ có tội, đem lại hòa bình cho thế giới.
Thiên Chúa dùng những phương tiện đơn sơ để cứu độ con người. Khi Chúa can thiệp để cứu giúp một người, một dân hay toàn thể nhân loại, thì không cần đến khí giới và võ lực, chỉ cần lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự nâng đỡ của Chúa, như trong Cựu Ước Chúa đã giúp dân Do thái chiếm thành Giêrikhô mà không cần đế vũ khí và bạo lực (x. Giôsuê 6,1-12).
Trong lịch sử Giáo hội, khi thế giới Kitô bị đe dọa bởi lực lượng hùng hậu của quân Thổ tại Lepante, cửa đi vào vịnh Côrintô, thì Hội Thánh dâng kinh Mân Côi cầu nguyện xin ơn trợ giúp của Mẹ Thiên Chúa. Hậu quả là đạo binh Tây phương đã chến thắng ngày 07.10. 1571. ĐGH Piô V thiết lập lễ Nữ Vương Mân Côi để ghi nhớ biến cố lịch sử này. Và cũng từ đó ngài thêm vào Kinh cầu Đức Bà lời kêu xin: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”
Kinh Kính Mừng Thánh Gio-an Maria Vianney, cha sở họ Ars có nói: “Kinh Kính mừng là một lời kinh không bao giờ làm chúng ta mệt mỏi. Khi nói những chuyện trần tục hay bàn về chính trị, người ta mau chán, nhưng khi nói về Đức Mẹ người ta luôn cảm thấy mới.” (B. Nodet, Le Curé d’Ars: sa pensée, son coeur, Xavier Mappus, 1966, p.246).
Chúng ta có cảm tưởng ngược lại. Đối với đa số chúng ta, khi nói những chuyện phàm tục thì không bao giờ chán, khi bàn đến chính trị thì rất hăng say, nhưng khi nói về Đức Mẹ thì làm như có vẻ e thẹn. Đa số chúng ta không có đủ sức để đọc mười kinh Kính mừng, huống hồ gì đọc hết năm mươi kinh? Tại sao thế?
1). Kính mừng Maria đầy ân phúc… Kinh Kính mừng là một lời kinh chúc tụng: “Kính chào bà đầy ơn phúc”, là một bài thơ ca tụng hạnh phúc: “bà có phúc hơn mọi người nữ”. Kinh Kính mừng là một phương thế đơn sơ để tôn vinh Thiên Chúa, bằng việc biểu lộ sự thán phục trước nét đẹp vô song của Đức Trinh Nữ Maria, điều mà những kẻ phàm phu tục tử, những người vị kỷ, những người đắm đuối trong dục tình không thể làm được. Kinh Kính mừng chỉ làm vui những tâm hồn trong sáng, những con mắt biết nhìn vẻ đẹp của tâm hồn, những con người hoàn toàn vô vị lợi.
Người tự mãn, không biết thán phục. Người vị kỷ chỉ thấy chính mình, Người đắm đuối trong dục tình không thấy ánh sáng.
Đoạn cuối sách Châm ngôn là một bài thơ ca tụng người phụ nữ đảm đang: “con cái bà đứng lên để tuyên dương bà hạnh phúc, chồng bà sẽ ca tụng bà” (Châm ngôn 31,28). Đọc kinh Kính mừng là lời con cái của Đức Trinh Nữ từ muôn thế hệ, từ khắp năm châu bốn bể, đứng lên để ca tụng Mẹ đầy ân phúc.
Chúng ta phải thấy được hạnh phúc của Đức Mẹ, nếu không thấy bằng mắt thì cảm nghiệm được bằng lòng tin. Như những đứa trẻ ngây thơ muốn làm một bài diễn văn phải cần đến những người văn hay chữ tốt, thì Hội thánh để ca tụng Đức Trinh Nữ, cũng phải cậy nhờ lời của Thiên Sứ, lặp lại lời được linh ứng của thánh nữ Elizabeth.
Những tâm hồn ngây thơ, trong trắng ngây ngất trước vẻ đẹp của Nữ Trinh đầy ơn phúc, và không ngừng lặp lại cũng không mệt mỏi: “Bà đầy ơn phước.” Bernadette ở Lộ Đức. Ba trẻ: Lucia, Francisco và Giacinta ở Fatima.
Chỉ có các thánh mới cảm nghiệm được hạnh phúc của lời kinh chúc tụng.
Nhưng bằng một nghịch lý mà chỉ có lòng nhân hậu Chúa mới giải thích được, những tội nhân, những người biết mình là kẻ có tội còn là người đọc kinh Kính mừng không mệt mỏi.
2). Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…
Chúng ta có ý thức rằng nội dung phần thứ hai kinh “Kính mừng” là một lời kinh của tội nhân?. “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử.”
“Chúng con là kẻ có tội”, cũng là một cách nói giống như lời thú tội của người thu thuế trong Tân Ước: “Lạy Chúa xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”(Lc 18,13). Và Chúa nói: người ấy trở về được sạch tội, được trở nên công chính. Cũng là một cách nói như người trộm lành kêu lên Chúa trên thập giá: “Lạy Ngài xin nhớ đến con, khi Ngài về nước Ngài” và Chúa đã trả lời: “Hôm nay anh sẽ được lên nơi an nghỉ cùng Ta.”(Lc 23,43).
Và những kẻ có tội vẫn kêu van Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, trong hai ngàn năm lịch sử Hội Thánh. Và họ chắc chắn được nhậm lời.
Anh em là những người đơn sơ, vô tội, trong trắng, lời kinh chúc tụng Mẹ Thiên Chúa là niềm vui của anh em trên quảng đời dương thế.
Nhưng nếu anh em thấy mình là kẻ có tội, đừng tưởng rằng mình không xứng đáng ca tụng Mẹ vì còn niềm an ủi lớn lao của lời van xin khiêm tốn. Chỉ có một hạng người sẽ vấp phạm vì kinh Kính mừng, là những biệt phái chỉ thấy có mình, những người tội lỗi nhưng tự hào về cái vỏ thánh thiện của mình.
Cùng với toàn thể Hôi Thánh, chúng ta dâng lời chúc tụng Mẹ và cùng với Người đi vào mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, để cho những biến cố vui, thương, mừng của đời sống chúng ta được thánh hóa bởi mầu nhiệm cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ. |