Tôi có một người bạn rất thân. Năm lên 20 tuổi, anh ta đã tự tử bằng hơi ngạt trong xe. Tin này làm tôi xúc động sâu xa và thoạt đầu hầu như tôi không tin nổi. Sau đó, nhiều lần tôi tự hỏi: đâu là nguyên nhân dẫn đưa anh ta đến một quyết định bi đát như thế ?
Xét về mặt tâm lý, nếu tóm gọn sứ điệp cuối cùng của người bạn trẻ trong lá thư vĩnh biệt, người ta có thể đọc thấy hàng chữ này: “Đời người thật không đáng sống”. Chính vì xác tín là đã đánh mất cơ may được thương, người có ý định tự tử tìm mọi cách để thoát ly thảm cảnh này, và trước mắt họ con đường thoát ly hữu hiệu nhất, đó là cái chết, là như trở về lại lòng mẹ thoát khỏi những băn khoăn lo lắng dày vò. Nằm trong xe, tai nghe bản nhạc êm dịu, trong khi chờ đợi khí độc xâm nhập khắp cơ thể, thật chẳng khác gì tìm lại được niềm vui và an bình như khi còn là một bào thai trong lòng mẹ.
Xét về mặt tình cảm, nói chung lý do tự vẫn thường là những khó khăn trong việc giao tiếp với người khác và cũng là người rất khó tính. Lý do sau cùng dẫn đến quyết định tự vẫn khác nào que diêm hoặc tia lửa ném vào đống rơm đã chất sẵn; lý do đó có thể là những cãi cọ của cha mẹ, sự thất bại trong việc học hành, sự căng thẳng tinh thần …, tất cả những yếu tố này tự nó xem ra không quan trọng nhưng khác nào giọt nước cuối cùng làm cho ly nước đã đầy phải tràn ra ngoài.
Theo bảng thống kê mới đây, thì trên thế giới hiện nay mỗi ngày có tới 300 bạn trẻ tự tử, và có tới 3.000 bạn trẻ toan tự tử nhưng không thành công. Bảng thống kê còn cho thấy hầu hết các bạn trẻ đã tự vẫn hoặc toan tự vẫn đều thuộc những gia đình khá giả về tài chánh, không thiếu những phương tiện sống và những thú vui giải trí. Phải chăng vì quá sung túc về vật chất làm cho họ càng cảm thấy đói khát tinh thần? Hiện tượng này ngày càng lan tràn tại các quốc gia giầu có, trong khi tại các quốc gia nghèo dân chúng nói chung và các bạn trẻ nói riêng lại tỏ ra vui sống và tìm mọi cách để duy trì sự sống. Phải chăng đó không là hoa trái của xã hội hưởng thụ: những thỏa mãn vật chất chỉ tăng thêm nhàm chán, khiến tâm hồn ra chai đá, dửng dưng. Đấy là chưa kể đến đường lối giáo dục cố tình gạt bỏ chiều kích thánh thiêng của con người, nhưng lại không biết thay thế vào đó một lý tưởng đáng sống.
Ngoài những yếu tố trên, còn có não trạng của một số cha mẹ, nhất là những người đã từng trải qua thảm cảnh chiến tranh. Với biết bao hy sinh, họ đã kiến tạo được một xã hội thịnh vương với hy vọng để lại cho con cháu một tương lai tốt đẹp. Thế nhưng, họ đã quên rằng kiến tạo bao giờ cũng hứng thú hơn là hưởng thụ của thừa kế. Biết bao cha mẹ đã nỗ lực làm việc để kiếm thật nhiều tiền, mua sắm mọi thứ nhằm bảo đảm tương mua để lại cho con cái. Nhưng làm như thế là cướp mất những thách đố đầy hấp dẫn của tuổi trẻ, là làm nhu nhược ý chí để chỉ còn biết sống ỷ lại vào người khác. Trong bối cảnh tâm lý như thế, tự vẫn là một cách trả thù cha mẹ vì đã vô tình cướp mất quyền tự lập, cơ hội phát triển và theo đuổi lý tưởng của người trẻ.
Sống sung túc và được nuông chiều, các người trẻ chỉ còn biết nhìn đời như một món quà, chứ không như một sứ mệnh phải thực hiện hay một lý tưởng phải theo đuổi đến cùng; họ chỉ còn biết nhìn đời với những quyền lợi cần được thỏa mãn, chứ không như bổn phận phải chu toàn cho dù phải trả giả hy sinh. Với não trạng này, không lạ gì khi gặp thấy các bạn trẻ tỏ ra ương ngạnh, thích chống đối mỗi khi gặp điều trái ý. Họ cũng thường có quan niệm sai lầm về tự do, nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì thay vì làm điều mình phải làm. Ngay từ thời niên thiếu, họ đã được nuông chiều quá mức, được miễn trừ mọi khó nhọc, hy sinh; vì thế, bước vào tuổi trưởng thành, họ cảm thấy như bị lạc lõng trong một thế giới mới, nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm trở nên một gánh nặng cần phải trút bỏ càng sớm càng tốt.
Đó là một vài lý do tâm lý của thảm cảnh nơi một số bạn trẻ vì quá nhàm chán đời sống hoặc vì chưa biết khám phá giá trị và vẻ đẹp của đời sống. Riêng bạn còn được may mắn, vì bạn vẫn yêu sự sống và muốn sống, mặc dù đời sống bạn có nhiều khó khăn, thách đố. Bạn có thể tự hào về điều đó. Nhưng như thế mà thôi chưa tự đủ, thỉnh thoảng bạn nên dừng lại và tự hỏi: tại sao tôi sống ? đâu là động lực sống của tôi ? tôi sống vì lý tưởng nào?
Pasquale Ionata |