Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Những mong đợi
Thực vậy, trong số những người đặt nhiều hy vọng nơi Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, mong ước kế hoạch cải tổ Giáo hội, theo chiều hướng “cấp tiến”, người ta phải kể đến đa số các thành viên Hội Đồng Giám mục Đức và nhiều thành phần dân Chúa tại nước này.
Trong chiều hướng đó, Đức Cha Georg Baetzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Đức, hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục này sẽ mau lẹ bỏ phiếu ủng hộ các đề nghị cải tổ là truyền chức thánh cho phụ nữ, giải tỏa luật độc thân linh mục, cải tiến luân lý tính dục và những cải tổ khác đang được thảo luận trong Giáo hội Công giáo.
Đức Cha Baetzing, là thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục sắp khai diễn. Ngài bày tỏ hy vọng trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần “Die Zeit”, Thời Báo, ở Đức số ra ngày 14/9 vừa qua. Đức Cha nói: “Dân chúng trong Giáo hội chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa”.
Đức Cha xác quyết rằng không có đụng độ giữa Roma và các Giám mục Đức. Những văn kiện nghị quyết của Con đường Công nghị của Công giáo Đức đang cải tổ cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo ở Đức, đó là những đề nghị hoạt động, cần được phối hợp với Giáo hội hoàn vũ. Vấn đề ở đây không phải là các bản văn, nhưng là những hành động thay đổi. Điều này đòi phải có những lý lẽ và thỏa hiệp. Đó là điều chúng tôi vẫn quen thực hiện trong nền văn hóa dân chủ của chúng tôi, và trong Giáo triều Roma người ta không hiểu”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức bênh vực Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại những lời cáo cuộc cho rằng ngài muốn trì hoãn việc cải tổ, ví dụ cấm thành lập Hội đồng Công nghị tại Đức, trong đó các Giám mục cùng với giáo dân, với quyền hạn ngang nhau, thảo luận và quyết định với nhau. Roma chỉ khẳng định rằng cần được chuẩn bị. Ngoài ra, theo Đức cha Baetzing, thủ lãnh Giáo hội không thể quyết định điều mà các Giám mục Đức mong muốn, nhưng phải liên kết với Giáo hội hoàn vũ. Đức Cha cho biết là ngài ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô 100% và nói thêm rằng: “Tôi đã nói với Đức Thánh Cha rằng các tín hữu Công giáo Đức lo lắng về vấn đề: không biết Giáo hội Đức có sống còn hay không. Chúng tôi đã nói với Đức Thánh Cha về điều đó là không chút sợ hãi” (KNA 14-9-2023)
Những tuyên bố trên đây của Đức cha Baetzing dường như không trấn an được phe “cực cấp tiến” trong Giáo hội tại nước này. Vài ngày trước khi các Giám mục Đức bắt đầu khóa họp mùa thu từ 25 đến 29/9 này, một số nhóm áp lực đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Giám mục mau lẹ tiến hành việc cải tổ trong Giáo hội tại nước này và tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới tại Roma, các Giám mục Đức cần “can đảm” trình bày những kết quả của công trình cải tổ được thông qua tại Đức và hoạt động để có sự thay đổi não trạng trên mọi bình diện” (KNA 22-9-2023)
Lo âu trước Thượng Hội đồng Giám mục
Đối nghịch với những “hy vọng” trên đây, không thiếu những tín hữu bày tỏ lo âu trước công nghị các Giám mục thế giới sắp tới.
Mới đây một nhóm các tín hữu Công giáo Ý đã nhóm họp tại Assisi. Họ gửi thư ngỏ cho Đức Thánh Cha trong đó có đoạn viết:
“Chúng con lo âu và kinh sợ trước Thượng Hội đồng Giám mục khóa thường kỳ được triệu tập tại Roma vào tháng 10 tới đây về sự “hiệp hành”. Như những người con của Giáo hội và là công dân của đại quốc này, chúng con ngỏ lời với Đức Thánh Cha Phanxicô, xin ngài có nhiều can đảm, như các vị tiền nhiệm đáng kính của ngài, đừng để cho Thượng Hội đồng Giám mục này xa lìa đạo lý Công giáo trong vấn đề nào cả, tái khẳng định chân lý Tin Mừng, có khả năng biểu lộ và trả lại cho con người và các dân tộc, ơn gọi nguyên thủy và rất cao cả của họ”.
Thượng Hội đồng Giám mục đừng dám làm thương tổn bản chất của Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Những lo âu này không nảy sinh từ một ý thức hệ nào, nhưng từ những tiến trình mà Đức Thánh Cha đã khởi xướng và khuyến khích, như đã tâm sự với một Giám mục Ý, trong một Thượng Hội đồng Giám mục trước đây”.
Đạo lý không là gì khác hơn là giáo huấn Công giáo, mà thánh Phaolô gọi là “sức mạnh của Tin Mừng”. Đạo lý không thu hẹp vào kinh Tin Kính, nhưng cũng nới rộng tới Sách Giáo Lý, đây không phải là nước lọc, nhưng là cô đọng sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội.”
Như Đức Hồng Y Caffara (cố Tổng Giám mục Bologna) đã nói: một Giáo hội không đạo lý chỉ là một Giáo hội dốt nát....
Ngày nay, trong Giáo hội đang có toan tính thuyết phục chúng con chấp nhận rằng lạc giáo và vô luân không phải là tội, nhưng đúng hơn đó là lời đáp lại tiếng Chúa Thánh Linh, Đấng nói qua những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề.
Kính thưa Đức Thánh Cha, Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới không phải là một tổng hợp đức tin Công giáo và cũng không phải là giáo huấn của Tân Ước. Nó hoàn toàn trái ngược, mơ hồ và thù nghịch, bằng nhiều cách, đối với truyền thống tông đồ ngàn đời. Trong đó người ta không hề nhìn nhận Tân Ước như Lời Chúa, quy luật cho mọi giáo huấn về đức tin và luân lý... (blog.messainlatino.it 16-9-2023)
Những dè dặt khác
Cũng có những vị chủ chăn khác, lên tiếng cảnh giác về một số vấn đề được nói tới trong Tài liệu làm việc, như Đức Hồng Y Anders Arborelius, Giám mục giáo phận Stockholm, Thụy Điển, tuyên bố rằng vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ không được trở thành tâm điểm tại Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới đây, vì thế cuộc trao đổi không thể bị sa lầy vào vấn đề Giáo hội có thể truyền chức cho phụ nữ hay không.
Đức Hồng Y Arborerelius, dòng Camêlô Nhặt phép, tuyên bố như trên như một phản ứng về lời một số Giám mục Đức mong muốn Thượng Hội đồng Giám mục mau lẹ bỏ phiếu thuận về vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí trực tuyến “National Catholic Reporter”, Phóng viên Công giáo quốc gia, truyền đi hôm 13/9 vừa qua từ Mỹ, Đức Hồng Y Giám mục giáo phận Stockholm nói rằng: “Thật là điều gây thất vọng nếu cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng Giám mục không thể dẫn đi xa hơn, vì thừa tác vụ linh mục vốn dành cho người nam theo đạo lý Công giáo và Chính Thống giáo”.
Tuy ban đặc trách tổ chức Công nghị này vẫn nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng Giám mục tới đây không phải là để thay đổi đạo lý, nhưng tài liệu làm việc của Công nghị có đoạn đặt hỏi rõ ràng: có thể cứu xét việc truyền chức phó tế cho phụ nữ hay không? Một số tham dự viên như Đức Hồng Y Robert McElroy, Giám mục giáo phận San Diego, bên Mỹ, tích cực cổ võ làm sao để vấn đề truyền chức cho phụ nữ trở thành tâm điểm của Thượng Hội đồng Giám mục, giống như Con đường Công nghị ở Đức. (CNA 14-9-2023)
Đừng quá mong đợi
Về phần Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxemburg, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, ngài cảnh giác các tín hữu đừng đặt quá nhiều mong đợi nơi khóa họp sắp tới, vì đây chỉ là khóa đầu, sẽ được tiếp nối với khóa thứ hai vào tháng 10 năm tới, 2024.
Đức Hồng Y nói: vấn đề truyền chức cho phụ nữ và chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái là những đề tài chủ yếu trong Con đường Công nghị của Công giáo Đức, nhưng tại các nước khác, người ta không muốn các điều đó bao nhiêu. “Giáo hội cần tìm ra những câu trả lời cho các vấn đề đó. Nhưng không phải mọi sự đều diễn ra trong khóa họp này của Thượng Hội đồng Giám mục. Không thể chồng chất trên khóa họp những mong đợi, nếu không chúng ta sẽ bị thất vọng”.
Theo Đức Hồng Y Hollerich, khóa họp tháng 10 này chỉ là chuẩn bị một lộ trình những vấn đề cần được giải quyết trong khóa họp vào tháng 10 năm tới. Ngoài ra, ngài cũng kêu gọi mọi tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục hãy cởi mở và sẵn sàng thống hối bản thân: “Nếu tôi đến với một quan điểm đã sẵn sàng, đã biết hết mọi sự, thì tôi sẽ không lắng nghe, và như thế tôi sẽ không thực hiện một sự phân định thiêng liêng... Từ sự cộng tác có thể nảy sinh sự hòa hợp, đó là điều quan trọng hơn là vấn đề đa số qua tiến trình quyết định chung kết trong Giáo hội” (ekai.pl 22-9-2023)