LOAN BÁO CHÚA KITÔ THEO HỒNG Y JOSEPH RATZINGER
Gianni Valente
WHĐ (29.01.2023) - "Tân Phúc Âm Hóa để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo", là tiêu đề của Đại hội Chung thường lệ lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục, mà Đức Bênêđictô XVI tham dự lần cuối cùng với tư cách là Giáo hoàng. Từ thành quả của Đại hội mang tính giáo hội này, những suy tư và quan điểm sau đó đã được trình bày trong Tông huấn Evangelii Gaudium, một tài liệu huấn quyền quan trọng nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô. Mạch nhiệt huyết và say mê nhất xuyên suốt triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô và của vị tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI, là sứ mạng và mối quan tâm tông đồ trong việc loan báo Tin Mừng.
Năm 2011, “Tân Phúc âm hóa” là tâm điểm của cuộc họp thường niên Ratzingerian Schülerkreis (các sinh viên của Ratzinger), dịp gặp gỡ hằng năm tại Castel Gandolfo của các cựu sinh viên để cùng suy tư trong một cuộc hội thảo kín về một chủ đề cụ thể, và cũng là dịp để tái hợp với giáo sư cũ của họ.
Trong suốt hành trình thiêng liêng và phục vụ giáo hội của mình, vị Giáo hoàng tương lai đã bày tỏ tầm nhìn về động lực truyền giáo mới mà Giáo hội được mời gọi để sống trong thời điểm hiện tại, được đánh dấu bằng những tiến trình phi Kitô giáo hóa sâu sắc ở những vùng đất có truyền thống Kitô giáo cổ xưa. Ngài cũng đã làm như vậy khi, với tư cách là Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài trình bày một báo cáo dài và rõ ràng vào ngày 10. 12. 2000, phát biểu tại Hội nghị Giáo lý viên và Giáo viên Tôn giáo do Bộ Giáo sĩ xúc tiến tại Rôma. Tài liệu này chứa đựng những hiểu biết sâu sắc và ấn tượng giúp nhận ra nguồn mạch của mọi sứ mạng và công việc tông đồ, cũng như những đặc tính riêng biểu thị sự phát triển của nguồn mạch này trong thế giới hiện tại.
Cám dỗ của sự thiếu kiên nhẫn
Nhân dịp này, Đức Hồng Y Ratzinger khởi đi từ dụ ngôn Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, được Đức Giêsu so sánh với hạt cải, “lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Khi nói về “việc Tân Phúc âm hóa” trong bối cảnh mà ký ức Kitô giáo đã phai nhạt – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tương lai nhấn mạnh – trước hết cần phải tránh “cơn cám dỗ thiếu kiên nhẫn, cơn cám dỗ lập tức tìm kiếm những thành công lớn lao, tìm kiếm số đông”. Theo ngài, đây "không phải là phương pháp của Thiên Chúa", mà "dụ ngôn hạt cải luôn được áp dụng". Tân Phúc âm hóa “không thể có nghĩa là: ngay lập tức thu hút bằng những phương pháp mới và tinh tế hơn, đại đa số những người đã xa rời Giáo hội”. Lịch sử của chính Giáo hội dạy rằng "những điều vĩ đại luôn bắt đầu từ những yếu tố nhỏ bé, và những phong trào quần chúng thường là không bền".
Làm theo "phương pháp" của Thiên Chúa
Nhà thần học Bộ trưởng người Bavaria lúc bấy giờ gợi ý, động lực của chứng tá Kitô giáo có thể nhận diện được vì nó chỉ là một thuật ngữ so sánh hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: “Không phải vì ngươi vĩ đại mà Ta đã chọn ngươi, trái lại - ngươi là dân tộc nhỏ nhất trong các dân tộc; Ta đã chọn ngươi vì Ta yêu ngươi...", Thiên Chúa nói với dân Israel trong Cựu Ước, và do đó diễn tả nghịch lý cơ bản của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa
"không tính bằng số đông; sức mạnh bên ngoài không phải là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Ngài. Hầu hết các dụ ngôn của Đức Giêsu biểu lộ cấu trúc hành động thần linh này và, vì thế, đáp ứng mối quan tâm của các môn đệ, những người mong đợi nhiều thành công và dấu chỉ hơn từ Đấng Mêsia - những thành công thuộc loại do Satan đề nghị với Đức Chúa”.
Ngay cả sự bành trướng của Kitô giáo vào thời các tông đồ cũng được Hồng y Ratzinger truy nguyên từ các dụ ngôn Tin Mừng về sự khiêm tốn:
"Chắc chắn, vào cuối đời, thánh Phaolô có cảm tưởng là mình đã đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất, nhưng các Kitô hữu là những cộng đồng nhỏ nằm rải rác khắp thế giới, không đáng kể theo tiêu chuẩn thế gian. Trên thực tế, các Kitô hữu là hạt giống thâm nhập vào quần chúng từ bên trong và mang trong mình tương lai của thế giới”.
Vấn đề không phải là “mở rộng không gian” của Giáo hội trên thế giới. Hồng y Ratzinger đã chỉ ra trong báo cáo của ngài dành cho các giáo lý viên:
“Chúng ta không tìm cách để được lắng nghe, chúng ta không muốn gia tăng quyền lực và mở rộng của các tổ chức của chúng ta, nhưng trái lại, chúng ta muốn phục vụ lợi ích của con người và nhân loại bằng việc dành không gian cho Đấng là Sự Sống. Việc tự huỷ chính mình, hiến thân cho Chúa Kitô vì ơn cứu độ con người, là điều kiện cơ bản của sự dấn thân thực sự cho Tin Mừng”.
“Dấu vết” của tên phản Kitô
Sau đó, các tham chiếu do Hồng y Ratzinger đề xuất liên quan đến bản chất thích hợp của sứ mạng tông đồ không được gợi hứng bởi các chiến thuật cơ hội, nhưng bởi sự thích nghi cần thiết của mọi hoạt động tông đồ với động lực và mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô. Một Giáo hội tự quy chiếu mà Người kế vị tương lai của Phêrô cho rằng nó sẽ là một công cụ gây nhầm lẫn và phản chứng, bởi vì "dấu hiệu của Kẻ phản Kitô là nói nhân danh chính mình", trong khi "dấu hiệu của Chúa Con là sự hiệp thông với Cha". Vào thời điểm đó, Hồng y Ratzinger đã phát biểu những lời soi sáng về giả định tin tưởng một cách “đắc thắng” trong các chiến lược truyền thông và tiếp thị mới:
"Tất cả những phương pháp hợp lý và khả thủ về mặt đạo đức phải được nghiên cứu. Nhiệm vụ là tận dụng những khả năng truyền thông này. Nhưng lời nói và tất cả nghệ thuật truyền thông không thể đưa con người đến với chiều sâu mà Tin Mừng phải đạt tới. (…). Chúng ta không thể lôi kéo con người về cho mình. Chúng ta phải thu phục họ từ Thiên Chúa và vì Thiên Chúa”.
Hình: CNS/ PAUL HARING
Sứ mạng và sự Tử đạo
Sự hoán cải tâm hồn là công trình hoạt động của ân sủng của Đức Kitô. Và sự hoán cải này được gợi hứng một cách mầu nhiệm từ mầu nhiệm Khổ nạn của Người. Trong một đoạn văn đặc biệt khác, Hồng y Ratzinger đã ám chỉ bằng những lời dứt khoát về mối liên kết hiệp nhất sự tử đạo với đặc tính truyền giáo trong lộ trình của Giáo hội xuyên suốt lịch sử.
Sau đó, ngài nói rằng, “Đức Giêsu không cứu chuộc thế gian bằng những lời hoa mỹ, nhưng bằng sự đau khổ và cái chết của Người. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là nguồn sống vô tận của thế giới; Cuộc khổ nạn mang lại sức mạnh cho lời của Người”. Cũng vậy, đối với Thánh Phaolô, “vị thừa sai” vĩ đại đầu tiên, “sự thành công trong sứ vụ của ngài không phải là kết quả của những lời hùng biện hay sự khôn ngoan mục vụ; nhưng sự phong nhiêu của ngài gắn liền với đau khổ, và hiệp thông trong cuộc khổ nạn với Chúa Kitô”. Các chứng nhân là những người “hoàn thành” những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô (Col 1, 24). “Trong mọi thời đại lịch sử, những lời của Tertullian luôn luôn đúng: Máu của các vị tử đạo là hạt giống đức tin. Thánh Augustinô cũng tương tự một cách rất hay khi giải thích Tin Mừng Gioan, trong đoạn văn nói tiên tri về cuộc tử đạo và vai trò mục tử của Phêrô - quyền tối cao của ngài- có liên hệ chặt chẽ với nhau". Vì những lý do này,
"chúng ta không thể trao ban sự sống cho người khác mà không trao ban chính mạng sống của mình. Tiến trình tự huỷ được ám chỉ trên đây là hình thức cụ thể (được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau) của việc trao ban mạng sống. Và chúng ta hãy suy nghĩ về lời của Đấng Cứu độ: ‘... ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy...’".
Từ trải nghiệm này đến trải nghiệm khác
Trong một dịp khác, khi giảng linh thao cho các linh mục thuộc phong trào Communion and Liberation vào năm 1986, Hồng y Ratzinger đã đề xuất lại sự thu hút của ân sủng, do chính Chúa Kitô mang lại, như là nguồn gốc của mọi động lực truyền giáo đích thực.
Nhân dịp này, ngài nhắc lại,
“Giáo hội sơ khai, sau khi kết thúc thời kỳ các tông đồ, đã phát triển tương đối ít hoạt động truyền giáo như là một Giáo hội, Giáo hội không có chiến lược riêng để loan báo đức tin cho dân ngoại, tuy nhiên, thời kỳ đó đã trở thành thời kỳ truyền giáo thành công nhất”.
Đồng thời, Đức Hồng y cũng nhấn mạnh rằng,
Việc hoán cải của thế giới cổ đại không phải là kết quả của một hoạt động mang tính giáo hội có kế hoạch, mà là kết quả của minh chứng đức tin, một sự minh chứng trở nên hữu hình trong đời sống của các Kitô hữu và trong cộng đồng Giáo hội. Lời mời gọi cụ thể từ trải nghiệm này đến trải khác, nói một cách nhân văn, không gì khác hơn sức mạnh truyền giáo của Giáo hội sơ khai. Trái lại, sự bội giáo của thời hiện đại dựa trên việc thiếu chứng tá đức tin trong đời sống của các Kitô hữu (...) công cuộc tân phúc âm hoá, mà chúng ta rất cần, không đạt được bằng những học thuyết được xây dựng một cách khéo léo: sự thất bại thê thảm của việc dạy giáo lý hiện đại là quá hiển nhiên. Chỉ có sự đan kết của một sự thật trong chính nó và sự cam đoan trong đời sống của sự thật này mới có thể làm cho bằng chứng đức tin mà trái tim con người mong đợi được tỏa sáng; Chỉ qua cánh cửa này, Chúa Thánh Thần mới bước vào thế giới.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm Chuyển ngữ từ: fides.org (03. 01. 2023)
|