Tác giả: Ronald Rolheiser, Chuyển ngữ: J.B. Thái Hòa
Tại sao chúng ta thắp đèn vào dịp Giáng Sinh? Tại sao chúng ta giăng đèn màu rực rỡ trên ngôi nhà và ngoài đường phố vào dịp này trong năm?
Trong thời chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) ở Nam Phi, một trong những cách mà người dân bày tỏ sự phản đối và nói lên niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, là thắp lên ngọn nến và đặt ở bệ cửa sổ, nơi những ai qua lại đều có thể nhìn thấy. Một ngọn nến thắp lên, đặt ở nơi công cộng, là lời tuyên bố mang tính ngôn sứ. Chính phủ nước này liền có hành động đàn áp ngay. Việc đặt nến ở bệ cửa sổ bị xem là tội hình sự, tương đương với tội mang vũ khí trái phép. Trẻ em không bỏ qua chuyện mỉa mai này. Chúng đùa với nhau, “Chính quyền chúng ta sợ những ngọn nến cháy!”
Nhưng đúng là phải sợ! Thắp một ngọn nến vì một lý do luân lý hay tôn giáo (dù là để phản kháng, để mừng lễ Hanukkah, để cho mùa Vọng, để mừng lễ Giáng Sinh), chính là lời tuyên bố mang tính ngôn sứ về đức tin, và về căn bản, đó là lời cầu nguyện chung.
Nhưng chúng ta phải thừa nhận, hàng triệu ánh đèn trên cây thông Noel chúng ta thấy khắp nơi lại không có được điều này. Tại sao chúng ta thắp biết bao nhiêu đèn như vậy vào dịp Giáng Sinh? Câu trả lời yếm thế sẽ là, việc này chỉ có mục đích thuần thương mại. Và với nhiều người trong chúng ta, những ánh đèn đó đơn giản là chuyện thẩm mỹ, màu sắc và ăn mừng, hầu như chẳng có ý nghĩa tôn giáo nào. Tuy nhiên, kể cả như vậy, sâu bên trong, việc này vẫn có một ý nghĩa. Tại sao chúng ta thắp đèn vào dịp Giáng Sinh? Tại sao chúng ta giăng đèn màu rực rỡ trên ngôi nhà và ngoài đường phố vào dịp này trong năm?
Chắc chắn là chúng ta làm thế vì nó lung linh màu sắc, vì để ăn mừng, vì lý do thương mại, nhưng sâu hơn, chúng ta cũng làm thế vì nó thể hiện đức tin, dù có thoáng qua đến thế nào đi nữa, rằng Đức Kitô đã chiến thắng, và ánh sáng đã chinh phục bóng tối mãi mãi. “Ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối, và bóng tối không thể thắng ánh sáng”.
Những ánh đèn Giáng Sinh, xét tận cùng, là biểu hiện của đức tin và về căn bản là lời cầu nguyện chung. Dù vậy, chúng ta vẫn tự hỏi, nó để làm gì? Việc này có thể tạo nên sự khác biệt nào? Thắp lên một ánh sáng như biểu tượng đức tin có vẻ là một việc ngây thơ và vô nghĩa khi đối diện với bóng tối dường như bao trùm thế giới. Chúng ta nhìn vào thế giới, thấy hàng triệu người chịu đau khổ vì chiến tranh, hàng triệu người tị nạn đang vất vưởng ở các đường biên giới, hàng trăm triệu người khổ sở vì thiếu ăn. Khi biết mỗi ngày có hàng ngàn người chết vì bạo hành gia đình, vì ma túy, vì bạo lực băng đảng, khi nhìn vào những căng thẳng trong chính phủ, hội thánh, khu phố và gia đình chúng ta, chúng ta phải tự hỏi, liệu một chút ánh sáng chúng ta thắp lên, hay có thể nói là mọi ánh sáng Giáng Sinh này, có tạo nên sự khác biệt gì không?
Theo lời của cố linh mục Dòng Tên Michael Buckley, khi cầu nguyện bị xem là vô dụng nhất, thì đó lại là lúc cần đến lời cầu nguyện nhất. Những lời này đáng để chúng ta suy ngẫm. Với mức độ vấn đề của thế giới chúng ta, với mức độ bóng tối đang đe dọa chúng ta, bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta buộc phải thể hiện đức tin một cách công khai, thể hiện như một lời cầu nguyện. Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thể hiện công khai, chúng ta vẫn tin vào hành động của đức tin, vẫn tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, và vẫn tin rằng nơi Chúa Kitô, sức mạnh của bóng tối sẽ bị đè bẹp.
Điều này được thể hiện rất hay trong bài thơ tác giả John Shea viết trên thiệp Giáng Sinh năm nay của ông.
Cây thông Giáng Sinh muốn nói với ta
Bóng tối lớn lao của tháng chạp có thể hành hạ và ngày càng làm khổ chúng ta.
Nhưng cây thông Giáng Sinh lại khác thế. Những cành lá rung rinh đầy ánh sáng.
Sự sáng không dễ khuất phục
Chúng ta muốn một thế giới hoàn hảo
Nhưng không phải khi nào cũng được thế
Có thể chúng ta gặp phải thời tiết thảm họa, đại dịch, sức khỏe suy giảm, công việc quá sức, tài chính lung lay, tình cảm khó khăn, và xã hội cũng như thế giới đang điên lên lúc nhẹ lúc nặng.
Cây Giáng Sinh của chúng ta tỏa sáng
Ánh sáng đó thì thầm
“Hãy chịu đựng những thứ hành hạ chúng ta, nhưng đừng để nó chiếm lĩnh linh hồn chúng ta.
Chúng ta cao hơn bóng tối quanh mình”.
Khi cố gắng thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, tổng giám mục Desmond Tutu nhiều lần bị các sĩ quan quân đội tìm đến nhà thờ khi cha đang giảng, chĩa súng để dọa dẫm cha. Cha cười với họ và nói, “Tôi mừng vì các ông đã về phe thắng cuộc!” Khi nói thế, cha không nói về việc chủ nghĩa này đang lung lay, mà cha nói về chiến thắng vĩnh viễn mà Chúa Kitô đã giành lấy cho chúng ta. Ngài đã thắng trận chiến quan trọng nhất, và với đức tin, chúng ta đứng về phe thắng cuộc. Ánh sáng Giáng Sinh của chúng ta thể hiện điều này, dù chúng ta có ý thức hay không.
Thần học gia Karl Rahner từng viết, vào Giáng Sinh, Thiên Chúa cho phép chúng ta hạnh phúc. Giáng Sinh cũng cam đoan với chúng ta, chúng ta có quá đủ nền tảng để hạnh phúc, bất chấp những chuyện vẫn đang diễn ra trong cuộc đời và thế giới chung quanh chúng ta. Chúng ta có thể kiên cường bất khuất trước bất kỳ điều gì đòi chúng ta phải cúi đầu. Và ánh sáng Giáng Sinh thể hiện sự kiên cường bất khuất đó.
|