Tác giả: Anna Ashkova
Chuyển ngữ: Lê Hưng
Từ: Aleteia
Tòa giải tội kín đáo chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 16. Chúng ta có được một chỗ cách ly kín đáo như vậy là nhờ vị thánh Hồng y người Ý, Charles Borromée, mà Giáo hội mừng kính vào ngày 4-11.
Dù ngày nay không còn được dùng nhiều nữa, tòa giải tội vẫn là một phần không thể thiếu của lịch sử Giáo hội Công giáo. Khi nhắc đến bí tích hòa giải, người ta hay liên tưởng tới cái buồng nhỏ đó, phải không? Chưa kể đến phim điện ảnh và phim truyền hình nhiều tập thường làm cho nó nổi bật lên khi có những cảnh xưng tội. Nhưng tòa giải tội cách ly kín đáo này ra đời cũng chưa lâu lắm. Nó mới chỉ được tạo ra vào thế kỷ thứ 16. Quả vậy, cho đến thời điểm đó, việc xưng tội được thực theo nhiều cách khác nhau.
Vào thế kỷ thứ 3, các tín hữu chỉ xưng tội một lần trong đời và xưng tội công khai. Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, vị linh mục nghe xưng tội ở chỗ riêng tư và ra việc "đền tội" tương xứng với những tội đã xưng ra. Lúc bấy giờ các Kitô hữu được xưng tội nhiều lần trong đời mình. Từ Công đồng chung Laterano năm 1215, dưới thời Đức Giáo hoàng Innocent 3, tất cả đã thay đổi: Giáo hội đòi hỏi tín hữu mỗi năm xưng tội ít là một lần ngay trước lễ Phục Sinh, trên một băng ghế (sedes confessionnalis), và người xưng tội phải quỳ để nhận phép giải tội. Một thế kỷ sau, vấn đề kín đáo khi xưng tội được nêu lên.
Nỗi lo âu muốn được ẩn danh và kín đáo khi trao đổi với nhau
Một vài công đồng địa phương khuyên nên để người nam xưng tội in secretario, nghĩa là trong phòng thánh đóng kín. Đối với người nữ, thì phải cách linh mục bằng một vách đứng nhỏ ở giữa đục thủng che lưới và có bục qùy ở dưới. Giữa những năm 1545 và 1563, Công đồng Trento dành hẳn một khóa họp để bàn về bí tích giải tội. Chính vào thời đó mới có quyết định bắt buộc phải xưng mọi tội trọng trước khi rước lễ. Như vậy, tòa giải tội được đề cập đến lần đầu tiên vào thời Phản Cải Cách. Và người ta đã quy nguồn gốc của tòa phụng vụ bằng gỗ này cho thánh Charles Borromée, một trong những vị Hồng y cao cấp của Ý thế kỷ thứ 16 - đấng đã có nhiều tác phẩm viết về bí tích hòa giải. Trong số những tác phẩm đó, thành công nhất và cũng lưu truyền hậu thế lâu dài nhất có cuốn Chỉ Dẫn cho Các Cha Giải Tội ở thành phố và giáo phận của ngài.
Đức Hồng Y - Tổng Giám mục Milan đó khuyên nên dùng tòa giải tội và biến điều đó thành bắt buộc trong thành phố Ý của ngài và cả trong giáo tỉnh của ngài nữa. Danh tiếng của ngài - như một vị giám mục cải cách – đã lan sang Pháp ngay khi Công đồng chung kết thúc, rồi cái chết của ngài năm 1584 và nhất là sau khi ngài được phong hiển thánh năm 1610. Rất nhanh chóng như thế, tòa giải tội được nhiều nước khác áp dụng, trong đó có Pháp, sau các công đồng Aix-en-Provence (1585) và Toulouse (1590). Món đồ gỗ này đảm bảo sự ẩn danh giữa người giải tội và người xưng tội và cho phép giữ kín cuộc trao đổi. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, nó được trang trí kỹ lưỡng và trở thành nơi xưng tội gần như duy nhất trong đạo Công giáo.
Những tòa giải tội đóng kín ngày càng ít được dùng
Từ Công đồng Vatican 2, những tòa giải tội có hình thức phòng đóng kín ngày càng ít được dùng cho dù chúng vẫn còn sử dụng được. Quả vậy, người ta ngày càng khuyến khích nên xưng tội mặt đối mặt. Nếu một tín hữu mong muốn, họ có thể ngồi đối diện với cha giải tội để xưng tội, chỉ đơn giản vậy thôi hoặc quỳ trên ghế quỳ. Tuy nhiên việc ngăn cách giữa người xưng tội và người giải tội vẫn có thể được duy trì để đảm bảo sự ẩn danh. Khi ấy, một vách ngăn, nhẹ nhàng hơn, sẽ thay thế cái tòa giải tội cổ điển cồng kềnh. Quan trọng là người tín hữu có thể chọn lựa một cách thức xưng tội nào đó để nhận được bí tích hòa giải trong những điều kiện tốt nhất.
|