Christine Schenk CSJ
Thế kỷ thứ tư bắt đầu bằng cuộc bách hại Kitô hữu cách khốc liệt, đặc biệt là ở phương Đông. Sau khi đón nhận Thiên Chúa của Kitô giáo và sau một thời gian dài tranh giành quyền lực, Constantino trở thành hoàng đế vào năm 324 sau Công nguyên. Trong giai đoạn này, Giáo hội vươn đến mức độ quyền lực trần thế và ảnh hưởng chưa từng có nhờ sự ưu ái của hoàng đế Constantino, các con của ông và Thánh Êlêna mẹ ông. Các giáo sĩ cũng nhận được những khoản trợ cấp to lớn từ những nữ Kitô hữu quý tộc như Olimpia, Melania và Paola. Các cộng đồng Kitô giáo mà cho đến lúc đó vẫn quy tụ trong những ngôi nhà lớn giờ đây đã ở trong những khu vực công cộng xa hoa. Những thay đổi này làm gia tăng thêm những căng thẳng về hoạt động mục vụ công khai của các nữ Kitô hữu.
Thay đổi vai trò của phụ nữ trong Giáo hội
Thế kỷ thứ 4 cũng chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại là liên kết nữ giới với lạc giáo, mặc dù cả nam và nữ Kitô hữu tham gia vào những cách giải thích khác nhau về Kitô giáo cuối cùng đều bị coi là dị giáo. Phụ nữ đặc biệt có nguy cơ bị coi là dị giáo và bị nghi ngờ là không trong sạch nếu họ đảm nhận vai trò thầy dạy. Đây là bối cảnh giáo hội mà trong đó các “giáo mẫu” ở thế kỷ thứ 4 đã sống và làm chứng. Phần trình bày sau đây là trình tự thời gian ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa về cuộc đời của họ cũng như cách họ - và cộng đoàn của họ - thực thi quyền bính trong Giáo hội trong thời Giáo hội sơ khai.
Những tài liệu do phụ nữ viết
Thông tin về những phụ nữ sống vào thế kỷ thứ 4 như Marcella, Paola, Macrina, Melania Cả và Olympia chủ yếu đến từ tài liệu của những giáo sĩ uyên bác (Thánh Giêrônimô, Grêgôriô thành Nyssa, Palladiô và Gioan Kim Khẩu), những người đã viết về họ. Chúng ta có hai văn bản được viết bởi phụ nữ: của Prôba và Êgiêria. Prôba đã phỏng theo hàng trăm tác phẩm văn xuôi của Virgiliô, rất được người Roma yêu thích, để kể lại lịch sử Kitô giáo với mục đích truyền giáo cho những chàng trai trẻ quý tộc. Prôba đã tạo ra một công cụ truyền giáo đa văn hóa có ảnh hưởng đến các Kitô hữu qua nhiều thế hệ. Còn Êgiêria đã viết nhật ký du lịch cho các chị em của mình, trong đó mô tả hành trình của cô đến những địa điểm thánh thiêng ở phương Đông. Trên đường đi, cô đã gặp “người bạn rất thân thiết của cô, nữ phó tế thánh thiện Marthana”. Vị này điều hành một đan viện gồm cả nam và nữ gần đền thờ Thánh Thecla (ở Thổ Nhĩ Kỳ). Marthana là một ví dụ hiếm hoi về một nữ phó tế thực thi quyền điều hành đối với cả Kitô hữu nam và nữ.
Trong khi Thánh Basiliô ở phương Đông và Thánh Giêrônimô ở phương Tây thường được cho là người có công trong việc phát triển đời sống đan tu, thì hai phụ nữ - Macrina và Marcella - đã bắt đầu sống thực hành lối sống Kitô giáo mới này trước cả những người nam.
Macrina (327–379) đã thành lập một đan viện tại Annisa ở Tiểu Á, nơi đã trở thành nguyên mẫu cho quy luật đan tu được anh trai của bà là Thánh Basiliô viết. Thánh Basiliô sau này được coi là cha đẻ đời sống đan tu, nhưng Macrina chắc chắn là người mẹ khai sinh ra nó. Với ảnh hưởng trong tư cách là linh hướng, bà đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các anh em thần học gia của bà, Thánh Grêgôriô và Basiliô, những người đã hoàn thiện đạo lý về Chúa Ba Ngôi.
Marcella (325-410) tập hợp các phụ nữ để nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện tại ngôi nhà quý tộc của bà trên Đồi Aventinô bốn mươi năm trước khi Thánh Giêrônimô đến Roma. Sau khi Thánh Giêrônimô trở về Giêrusalem, các linh mục ở Roma nhờ Marcella tư vấn để giúp hiểu rõ các văn bản Kinh Thánh.
Paola (347-404) đã thành lập hai đan viện ở Bêlem, một dành cho phụ nữ và một dành cho nam giới. Bà đã giao đan viện nam cho các đan sĩ, và chính ở đó, nhờ sự hỗ trợ của bà, Thánh Giêrônimô đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Thánh Giêrônimô kể với chúng ta rằng kiến thức về tiếng Do Thái của Paola vượt xa kiến thức của ngài.
Melania Cả (350-410) đã dẫn dắt một giáo sĩ nổi tiếng (Êvagriô) trở về với lời tuyên thệ sống độc thân; dạy dỗ cũng như giúp những người nam theo đạo. Bà là người có công trong việc giải quyết cuộc ly giáo liên quan đến 400 tu sĩ ở Antiokia, “chiến thắng những kẻ lạc giáo chối bỏ Chúa Thánh Thần”. Bà đã tài trợ và đồng sáng lập một đan viện cho cả nam và nữ trên Núi Ôliu, nơi cộng đoàn của bà tham gia vào việc nghiên cứu Sách Thánh, cầu nguyện và thực hành các công việc bác ái.
Olympia (368-408) được Giám mục Nectariô ở Constantinople phong chức phó tế, đã sử dụng khối tài sản kếch xù của gia đình mình để hỗ trợ Giáo hội và phục vụ người nghèo. Bà thành lập một đan viện lớn gần đền thờ Hagia Sophia, nơi có ba người nữ trong dòng họ cũng được phong chức phó tế. Các phụ nữ Roma cổ thuộc các gia đình quyền quý sớm gia nhập đan viện và số nữ đan sĩ tăng lên 250 người.
Đây chỉ là một vài ví dụ về các phụ nữ thế kỷ thứ 4 có cộng đoàn là tiền thân của đời sống tu trì đương đại. Chứng tá và thẩm quyền của họ trong Giáo hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến các cộng đồng Kitô giáo ở thời đại của họ cũng như những cộng đồng trong thời gian sau đó. Vào thời điểm một số giáo sĩ cấm họ thuyết giảng nơi công cộng và muốn họ ở nhà hơn, có bằng chứng cho thấy có những nữ Kitô hữu ở thế kỷ thứ tư đã thực thi quyền bính, lên tiếng về các vấn đề quan trọng của Giáo hội, dạy dỗ cả nam giới và phụ nữ, và làm chứng một cách tự do về Đức Kitô.
Tài liệu được sử dụng cho bài viết này phần lớn được lấy từ cuốn sách của tác giả, "Crispina và các người chị: Phụ nữ và thẩm quyền trong Kitô giáo sơ khai" (Fortress Press, 2017). Hãy tìm bài thứ tư và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài này, bài này sẽ đưa ra một phân tích về điều gì có thể đã khiến các nữ Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai trở thành những người đóng góp tích cực vào việc xây dựng Giáo hội.