>> ƠN GỌI TẬN HIẾN |

Chân dung Linh mục
Tin đăng ngày: 25/8/2023 - Xem: 10279

Upload

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Có thể nói một trong các thành phần của Giáo hội được khen chê nhiều nhất đó là linh mục. Các tiếng khen chê ấy lại nhiều hơn khi Giáo hội mở Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành”. Qua một vài sự cố “lạm dụng” mà báo chí Âu Mỹ làm rùm beng, nhiều linh mục phân trần cách dí dỏm rằng linh mục, cách riêng linh mục triều là kiếp trên đe dưới búa. Cũng có thể là thế, tuy nhiên cần chân nhận với nhau sự thật này: khi yêu ai, kính trọng ai nhiều thì người ta đòi hỏi kẻ ấy nhiều. Do đó, việc các linh mục cần phản tỉnh, trở về với căn tính của mình hầu sống “chính danh, chính phận” là một đòi hỏi như là tất yếu.

Theo cái nhìn truyền thống dựa trên các năng quyền thì linh mục là người đã lãnh nhận chức tư tế thừa tác, được trao ban các năng quyền như quyền hiến thánh, quyền hiến dâng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ, quyền tha các tội đã phạm sau khi được rửa tội qua bí tích Hòa giải và bí tích Xức Dầu (J. A. Hardon). Theo giáo huấn Công đồng Vaticanô II, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis nhấn mạnh linh mục là Kitô hữu đã lãnh nhận chức tư tế thừa tác để nên đồng hình đồng dạng với Kitô trong tư cách là thủ lãnh và là mục tử (x.GH số 28).

1. Là người lãnh đạo và là người thầy:Chúa Giêsu đã từng khẳng định rõ ràng: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời, chỉ có một Thầy và một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (x.Mt 23,8-10). Dưới ánh sáng đức tin, nếu xét Cha là cội nguồn của mọi hiện hữu và mọi điều thiện hảo thì chỉ có một Cha là Đức Chúa Trời Ngôi thứ Nhất. Nếu xét người thầy như là người truyền giảng chân lý không hề sai lầm thì duy chỉ có Chúa Kitô mới thực là thầy. Và nếu xét người lãnh đạo là người dẫn dắt tha nhân không hề lầm đường, lạc lối thì cũng chỉ một mình Đức Kitô mới thực là người lãnh đạo. Các mục tử trong giáo hội dù vai cao vị trọng, dù được gọi là cha hay đức cha, dù được phong làm thầy dạy chân lý, dù được gọi là lãnh đạo tối cao một giáo phận hay cả thế giới thì cũng chỉ là những người được thông phần vào phụ tử tính của Cha trên trời, thông phần vào vai vị làm thầy, làm người lãnh đạo của Chúa Kitô. Vì được thông phần nên có đó sự hạn chế, sự bất cập vốn là lẽ tất nhiên.

Vai trò làm thầy và phận vụ lãnh đạo của Đức Kitô là hướng dẫn nhân loại nhận biết chân lý, thúc giục con người tìm kiếm, đón nhận chân lý để được cứu độ. Chúa Kitô đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì đi theo Người (x.Ga 18,37). Khi đứng đầu trong một tập thể là giáo xứ hay một cộng đoàn, các linh mục phải biết tổ chức các sinh hoạt, đề ra đường lối hoạt động, để gìn giữ và làm phát triển tập thể được giao phó. Việc tổ chức các đoàn thể, lập ra các ban bệ, việc đề ra các chương trình sinh hoạt… đúng là cần thiết. Tuy nhiên những hình thái tổ chức, sinh hoạt ấy không phải là điểm đến của linh mục trong vai trò lãnh đạo và là người thầy. Mục tiêu hàng đầu và không thể thiếu của linh mục khi lãnh đạo đoàn chiên đó là giúp đoàn chiên nhận biết chân lý, ái mộ chân lý và đón nhận chân lý bằng mọi giá để được cứu độ. Như thế trọng tâm của vai trò linh mục là giúp đoàn chiên biết phân biệt các giá trị, không chỉ biết phân biệt điều tốt với điều xấu mà còn phải biết phân biệt giữa điều tốt ít với điều tốt hơn, theo bậc thang giá trị để rồi biết vượt qua cả những điều tốt hữu hạn mà chọn lấy điều tốt nhất.

Để có được khả năng này thì ngoài sự học hỏi tìm tòi nghiên cứu, người linh mục không thể thiếu một điều căn bản đó là cầu nguyện. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta ở việc này. Tin Mừng tường thuật rằng Người thường xuyên lên núi hay vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện cùng Chúa Cha (x.Mc 1,35). Để có thể lãnh đạo dân thoát ra khỏi cảnh nô lệ mà vào đất hứa, nhất là để huấn luyện dân trở thành một dân tuyển lựa thì Môsê ngày ngày vào Trướng Tao Phùng để hội ngộ, đàm đạo cùng Thiên Chúa (x.Xh 32,7-11).

Một trong những nghệ thuật lãnh đạo đó là không bao giờ làm một mình mà biết sử dụng nhân sự, biết dùng người đúng việc, hợp khả năng. Dù là Con Thiên Chúa, là Đấng mà không có sự gì là không thể, Chúa Giêsu đã chọn gọi mười hai tông đồ và thêm bảy mười hai môn đệ để công tác với Người trong việc loan báo tin mừng. Môsê sau khi được nhạc gia hiến kế “đã chọn trong toàn dân những người có tài và đặt họ làm đầu dân, điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người…” (x. Xh 18,13-27).

Một vấn đề đặt ra cho người lãnh đạo là chọn người cho việc hay chọn việc cho người? Đây là một câu hỏi khiến chúng ta liên tưởng đến tình trạng bố trí nhân sự trong nhiều tổ chức xã hội, nhất là trong xã hội Việt Nam chúng ta một thời gian đã qua và có thể còn tồn tại trong hiện nay. Đã có lúc, có thời người ta tìm việc cho nhân sự để giải bài toán nhân sự của mình. Như thế vô tình người ta xem nhẹ ích lợi của quần chúng nhân dân. Chính vì thế mà đã có nhiều trường hợp, có người thú nhận công khai rằng tôi không có khả năng, nhưng vì do tổ chức phân công, nên chuyện sai sót là do khách quan, do cơ chế… Trái lại, một nhà lãnh đạo có tâm có lòng thì luôn lấy đại sự làm trọng, lấy lợi ích của quần chúng nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Và như thế người lãnh đạo công tâm sẽ luôn tìm người cho việc chứ không ngược lại.

Một phẩm tính nữa của người lãnh đạo chân chính đó là luôn liên đới trách nhiệm với cộng sự viên, luôn biết cảm thông và đồng phận với những người mình chăm nom, hướng dẫn. Cung cách hành xử của ông Môsê cho ta hiểu thế nào là liên đới với số phận của đoàn dân mình lãnh đạo. Nhiều khi Thiên Chúa đã như hết kiên nhẫn trước sự phản phúc của dân mà Người đã ưu ái tuyển lựa, dẫn dắt ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đói một chút họ cũng la toáng, khát một tí họ cũng phản loạn, chán chê mùi vị Manna lại nhớ đến củ hành củ tỏi của thời nô lệ đến nỗi không muốn sống đời tự do mà phải vất vả, thà làm nô lệ mà có cái ăn… Thiên Chúa đã từng đe dọa tiêu diệt họ và cho Môsê trở thành tổ phụ một dân tộc thay thế. Môsê đã hoàn toàn đứng về phía dân để cầu xin Chúa tha thứ. Có lần ông đã như “chơi khăm” Thiên Chúa để mong Người thu hồi cơn giận: “Lạy Chúa là Đức Chúa, xin đừng hủy diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát, và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai Cập. Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là ông Abraham, ông Isaác và ông Giacóp, xin đừng để ý đến sự ngoan cố, sự gian ác và tội của dân này, kẻo tại miền đất từ đó Ngài đã đưa chúng con ra, người ta lại nói: Chính vì Đức Chúa đã không thể đưa chúng vào đất Người đã thề hứa với chúng, và chính vì ghét chúng mà Người đã đưa chúng ra để giết chúng trong sa mạc!” (Đnl 9,26-28).

Sự liên đới trách nhiệm của Đấng là Môsê mới, Giêsu Kitô, đã được bốn tin mừng minh chứng cách rõ nét. Chọn gọi môn đệ xong, Chúa Giêsu huấn luyện họ đủ đầy các phương diện. Những lần sai đi thực tập truyền giáo thì không thiếu những lời căn dặn thiết yếu cùng việc trao ban quyền năng trên các thần ô uế và bệnh tật. Khi đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người khẩn khoản nài xin Cha gìn giữ những kẻ mà Cha đã ban cho Người (x.Ga 17,9-19). Trước đám đông quân lính tìm bắt Người tại vườn cây dầu, Người đã tìm cách che chở môn sinh cho đến cùng (x.Ga 18,8).

Chúa Giêsu không chỉ liên đới với các môn đệ mà còn với mọi người, với cả những người vì ganh tương đố kỵ mà loại bỏ Người. Vốn sang giàu, Người đã tự nguyện nên nghèo hèn để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cor 8,9-12). Vốn vô tội, Người đã tự nguyện mang kiếp tội nhân để chúng ta được thứ tha. Ngay phút giây hấp hối trên thập giá, Người cũng không quên nài xin chúa Cha tha tội cho những kẻ giết Người (x.Lc 23,34).

2. Là vị mục tử nhân lành và là con chiên ngoan hiền:Hình ảnh vị mục tử nhân lành được minh họa nhiều trong Thánh Kinh và Kitô hữu chúng ta vốn đã rất thân quen. Dưới cái nhìn của Thánh Kinh, đặc biệt qua sách ngôn sứ Êdêkien và Tin mừng Thánh Gioan chúng ta cùng phác họa đôi nét về chân dung vị mục tử nhân lành.

- Sự hiện hữu của vị mục từ là vì đàn chiên và cho đàn chiên. Trước hết chúng ta cần khẳng định chân lý này: Sẽ không có mục tử nếu không có đàn chiên. Không có chiên thì cũng chẳng cần có sự hiện hữu của mục tử. Mục tử chỉ là mình trong tương quan với chiên. Bí tích truyền chức thánh là bí tích mang tính cộng đoàn, nghĩa là vì cộng đoàn, cho cộng đoàn. Sẽ không còn ý nghĩa hay sẽ là một dấu phản chứng khi mục tử chỉ biết sống cho mình. Ngôn sứ Êdêkien đã nói thay Thiên Chúa những lời chúc dữ: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn… Ta lấy mạng sống Ta mà thề... Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta…” (Ed 34).

- Mục tử nhân lành là người biết chiên: Cái “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là một sự gắn bó, đồng thân, đồng phận như trong nghĩa tình phu thê (x.St 4,1; 25). Khi đã có cái sự “biết” như thế giữa mục tử và đàn chiên thì mục tử sẽ luôn đi trước đàn chiên để dẫn chiên đến dòng suối mát, đến đồng cỏ xanh tươi, đồng thời đi trước đàn chiên để bảo vệ chiên khỏi nanh vuốt của sói dữ, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên, chứ không bỏ chạy lấy thân như kẻ chăn thuê (x.Ga 10,1-18).

Là kẻ trộm, kẻ cướp trong vai vị mục tử thì xem ra rất họa hiếm. Tuy nhiên trong thực tiễn có đó sự nhập nhằng đen trắng giữa hình ảnh mục tử và người chăn thuê. Người chăn thuê vẫn đường đường chính qua cửa ràn chiên tức là được lãnh nhận thánh chức cách hữu hiệu và hợp pháp. Không khác gì mục tử, người chăn thuê vẫn biết chiên và dẫn chiên đến đồng cỏ xanh và nguồn nước trong lành nghĩa là vẫn chu toàn bổn phận rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích cũng như chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên xin đừng quên rằng đã là chăn thuê thì luôn đặt lợi nhuận của mình lên trên thiện ích của đàn chiên, trái lại đã là mục tử thì luôn lấy sự sống và hạnh phúc của đàn chiên làm mục tiêu hàng đầu. Người làm thuê thì thường làm hết giờ hơn là hết việc và có khi làm hết việc nhưng chưa hẳn đã hết tình. Trái lại người mục tử vẫn có nhiều khi làm không hết việc, có một đôi khi làm không được việc nhưng đã làm thì luôn làm với cả tấm lòng vì đàn chiên. Đã là làm thuê thì ít có ai muốn dài tay, tuy nhiên đã là mục tử thì không chỉ chăm lo chiên trong đàn mà còn biết nghĩ đến chiên ngoài đàn. Một hiện thực mà Chúa Giêsu đã từng nói đó là kẻ chăn thuê thì không hề có trong tâm trí chuyện hy sinh mạng sống vì đàn chiên mà đây là một tiêu chí không thể thiếu để thẩm định mục tử chính danh. Thời gian dịch bệnh Côvid 19, tạ ơn Chúa về tấm gương sáng của nhiều tu sĩ nam nữ và linh mục tình nguyện xả thân vì đồng loại. Tuy nhiên cũng có đó không ít hình ảnh không được sáng đó đây mà nói theo ngôn ngữ bình dân là vì “quá sợ chết” mà đóng quá chặt các cánh cửa...

Biện chứng mục tử - chiên: Để là một mục tử nhân lành thì cần phải là một con chiên ngoan hiền, thanh sạch và ngược lại. Chúng ta nhận ra cái biện chứng này nơi cuộc đời Chúa Giêsu. Chắc hẳn không một ai phủ nhận sự thật là Chúa Giêsu đã vuông tròn trong vai trò mục tử nhân hậu. Chính Người đã khẳng định sự thật này cách công khai: Tôi là mục tử tốt lành…” (Ga 10,11). Để chu toàn phận vụ mục tử tốt lành thì Chúa Giêsu đã sống trọn hảo thân phận Con Chiên Thiên Chúa, con chiên tinh tuyền xóa tội trần gian (x.Ga 1,29). Thánh Giám Mục Âugustinô đã có câu nói thời danh: “cho anh em, tôi là giám mục (mục tử), cùng với anh em, tôi là tín hữu (con chiên).

Quả thật không ít vị khi đã lãnh nhận thiên chức linh mục thì vô tình quên bẵng đi sự thật là mình vẫn là một tín hữu và như thế vô tình hay hữu ý, không lưu tâm gì đến tâm tư, nguyện vọng của đàn chiên. Câu chuyện một linh mục sau khi qua đời, phải đền tội ở luyện ngục với hình thức là phải nghe lại tất cả các bài giảng của mình, là một minh họa. Lạm dụng bài giảng hình như đang dần được xem không chỉ là tệ nạn mà là một loại hình tội phạm. Ngoại trừ các cha dòng sống tập thể và các cha trong Chủng viện, các cha triều ở ngoài xứ rất ít có dịp nghe các cha khác giảng lễ, trừ một vài lễ đồng tế trong các dịp lễ đặc biệt. Và hình như các ngài rất hiếm khi tham dự Thánh Lễ trong tư cách một tín hữu bình thường (ở hàng ghế giáo dân).

Để sống cái biện chứng mục tử -chiên , thiết nghĩ rằng các linh mục hãy ghi nhớ lời khuyên bảo của Giám mục cho các ứng viên trong lễ phong chức linh mục: “Anh em hãy tin điều anh em đọc, dạy điều anh em tin và thực thi điều anh em dạy”. Có thể nói rằng hầu hết các linh mục đều dâng Thánh Lễ mỗi ngày theo lời khuyên dạy của giáo hội (GL Đ.904), và đại đa số đều có giảng lễ. Thật tuyệt vời nếu các linh mục đều sống, thực hành trước một điều gì đó trong nội dung những gì mình giảng dạy. Vị mục tử nhân lành và là Con chiên tinh tuyền, Giêsu Kitô là mẫu gương cho chúng ta điều này. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Trên bờ hồ Tibêria, trước khi trao phó tất cả chiên mẹ lẫn chiên con cho Phêrô, Chúa Phục Sinh dù đã thoáng nhắc khéo vị tông đồ về sự yếu đuối của ngài, nhưng Chúa không hề khiển trách mà chỉ nhấn mạnh đến lòng mến của vị Tông đồ cả (x.Ga 21,15-19). Cảm cho mình thì sẽ biết nghĩ đến người. Thánh Phêrô đã có những lời khuyên nhủ hữu lý, đạt tình với các mục tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ lãnh được triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1P 5, 2-4).

Nguồn: https://gpbanmethuot.net/
Từ khóa:

khác:

24/8/2024 - 40 câu nói nổi tiếng của Đức Phanxicô
23/8/2024 - Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đừng để mình bị rơi vào cám dỗ ganh tị
13/8/2024 - Sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết cho một Giáo hội muốn đổi mới chính mình
14/7/2024 - Bốn bí quyết cho sự thánh thiện đầy vui tươi với Thánh Philipphê Nêri
26/6/2024 - Maëlys, 9 tuổi, hiểu mọi điều về mầu nhiệm Thánh Thể
22/6/2024 - Bạn có đang mắc chứng 'rối loạn tiền bạc'?
18/6/2024 - 5 bí quyết nên thánh được rút ra từ Tin Mừng
16/6/2024 - Lấn át hoặc đối thoại
15/6/2024 - Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi
10/6/2024 - Hãy Vui Lòng Dạy Con Tình Yêu - Tình Yêu Trinh Khiết Và Đời Tu
6/6/2024 - Vài chú ý giúp người trẻ nên thánh thiện
5/6/2024 - Đổi mới tinh thần Giáo Hội ở Châu Á - cuộc gặp gỡ các nhà truyền giáo tiên phong năm 2024
4/6/2024 - 6 lời khuyên của Đức Giáo Hoàng giúp giao tiếp trong gia đình bạn
4/6/2024 - Bài hát cộng đồng Chúa Nhật 11 thường niên năm B
2/6/2024 - 4 bước đơn giản để thải độc kỹ thuật số cho tâm hồn
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Hoan ca tình Chúa
Tung hô Mẹ Giáo phận Vinh
Trong tình yêu Chúa
Một đời khắc ghi
Thánh lễ mừng Hồng ân Tiên khấn (15/06/2024)
Album Thánh ca Sr. Hoàng Phương
Chính Chúa sống trong con
Album Dâng Mẹ ngàn hoa
Ngàn hoa dâng Mẹ
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com